[COVID-19] "Liều vắc xin" nào cho căn bệnh sụt giảm kinh tế?
Đưa ra bài toán hóc búa “làm sao vừa chống dịch COVID-19, vừa ứng phó với căn bệnh sụt giảm kinh tế”, Thủ tướng mong muốn được nghe các chuyên gia hiến kế về "liều vắc xin" này.
Sáng 25/2, chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với cương vị Chủ tịch Hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các nước có sự sụt giảm tăng trưởng, trong đó có các đối tác của Việt Nam.
Theo dự báo mới đây, tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ giảm, không như dự báo trước đó. "Có loại vắc xin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là “bài toán hóc búa” trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam, sụt giảm tăng trưởng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã có thành công bước đầu rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, nhưng mục tiêu của Việt Nam không chỉ là một thắng lợi đơn, mà là muốn thắng lợi kép, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng mong muốn nghe về một “liều vắc xin” mà các thành viên hội đồng góp ý, hiến kế để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị hội đồng thảo luận, đề ra các chủ trương, chính sách, những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ hiện nay, tư vấn cho Thủ tướng các chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là một số vấn đề về đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương đề nghị giảm hàng loạt phí cho doanh nghiệp trong dịch SARS-CoV-2
11:00, 25/02/2020
Đối phó với virus “phụ thuộc” cũng phải quyết liệt như chống SARS-CoV-2
10:46, 25/02/2020
[SARS-CoV-2] Hàn Quốc nâng mức "báo động đỏ", Việt Nam bảo hộ 200.000 công dân
00:00, 24/02/2020
Hà Nội họp đột xuất về công tác phòng dịch SARS-CoV-2
19:35, 23/02/2020
[SARS-CoV-2] Chợ hải sản Vũ Hán không phải nơi bắt nguồn dịch bệnh
14:13, 23/02/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chưa thể chốt học sinh sẽ đi học lại từ 2/3"
17:00, 24/02/2020
Trao đổi với DĐDN, Chuyên gia kinh tế thế giới Bùi Ngọc Sơn nhận định, dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 giảm đi 2%, kéo theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,3%.
“Giả định mức thiệt hại tương đương đại dịch SARS, tức giảm 2% GDP, thì mức dự báo tăng trưởng 6% của nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm còn 4%. Tương đương, năm 2020, toàn nền kinh tế Trung Quốc chỉ gia tăng thêm được 520 tỷ USD thay vì 780 tỷ USD như dự tính. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất hơn 200 tỷ USD do COVID-19”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, để ước đoán thì rất khó nhưng có thể hình dung chắc chắn kinh tế Trung Quốc trong quý I này là tê liệt.
“Ví dụ như vùng Hồ Bắc là trái tim của lục địa, trung tâm công nghiệp nặng đã phải đóng cửa từ trước đến sau Tết. Hoặc như Hàng Châu, Tô Châu cũng như vậy" , TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Mặc dù còn khá sớm để đánh giá đầy đủ về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế thế giới, nhưng căn cứ từ những dấu hiệu từ kinh tế Trung Quốc, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn đánh giá, nếu chỉ tính mức thiệt hại tương đương 2% của dịch SARS với kinh tế Trung Quốc, thì kinh tế thế giới sẽ tổn thất mức 0,3%.
Cùng mức dự báo, một số nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS... cũng cho thấy dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020.
Cập nhật sáng ngày 25/2, thế giới ghi nhận 80.147 người mắc, 2.699 người tử vong, trong đó, Lục địa Trung Quốc có 2.663 người tử vong. Tại Việt Nam, 16/16 trường hợp người mắc bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi. COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 31/1/2020, WHO công bố dịch bệnh là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC). |