[COVID-19] Nếu một tuần nữa không xuất hiện thêm ca nhiễm mới Việt Nam có thể công bố hết dịch
Nếu 1 tuần nữa không xuất hiện thêm ca nhiễm mới chúng ta mới đến thời hạn có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, phải lường trước biến động tiêu cực để ứng phó thích hợp.
Tham dự và chỉ đạo Diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 toàn quân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) khẳng định đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam ra quân ở quy mô toàn quốc và ngay từ đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cuộc tổng diễn tập không chỉ phục vụ phòng chống dịch lần này mà còn là diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các sự cố an ninh phi truyền thống trong tương lai.
5 điểm cần lưu ý trong chống dịch
Phó Thủ tướng cũng nêu lên 5 điểm mới cần lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Trước hết là tình huống từ một tâm dịch ở Vũ Hán, đến nay dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện thêm nhiều tâm dịch, lây lan rộng ra cộng đồng.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam có thể ngay trong giờ tới, ngày tới. Dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, chúng ta đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
Theo Phó Thủ tướng, nếu giai đoạn trước, chúng ta tập trung vào ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, thì hiện nay dịch bệnh đã lan rộng ra hàng chục nước. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì cần chuyển sang giai đoạn phát hiện sớm các ca nhiễm tại cơ sở y tế, cộng đồng để kịp thời điều trị, khoanh vùng, dập dịch triệt để.
Tình huống sẽ thiếu các loại vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 ở quy mô toàn cầu phải được tính đến để có phương án chuẩn bị các phương tiện, vật tư thay thế, không để bị động.
"Chúng ta cũng cần xem xét, phân tích, dự báo kịch bản dịch bệnh COVID-19 gây xáo trộn các chuỗi cung ứng về sản xuất kinh doanh dịch vụ toàn cầu dẫn đến kinh tế thế giới có xáo trộn, thậm chí là các chương trình nghị sự ở tầm quốc tế về kinh tế, chính trị sẽ có xáo trộn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phải khẩn trương nghiên cứu, giải đáp câu hỏi đặt ra về sự tồn tại, hướng biến đổi của virus COVID-19 sau đợt dịch này.
“Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới cần kiên định, kiên trì theo các phương châm chỉ đạo, nguyên tắc chống dịch đã đề ra nhưng sách lược chiến thuật thì thay đổi phù hợp với tình hình”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tiếp tục tăng cường năng lực cơ sở vật chất dự phòng trang thiết bị vật tư; năng lực phát hiện, cách ly, điều trị ngay tại y tế cơ sở với sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành bằng các ứng dụng công nghệ thông tin…
Thực tế phòng, chống dịch vừa qua, điển hình là khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho thấy cơ chế phối hợp liên ngành cần nhuần nhuyễn hơn nữa.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh COVID-19 là dịch bệnh mới nên chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xem xét lại cơ chế phối hợp và kể cả văn bản pháp luật, từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng các kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch bệnh trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Sơn Lôi đã hết cách ly!
08:46, 04/03/2020
[COVID-19] Du lịch Việt thiệt hại 7 tỷ USD
18:12, 03/03/2020
[COVID-19] "Hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khoẻ người dân và thương hiệu Việt Nam an toàn"
15:00, 02/03/2020
[COVID-19] Không thể "bế quan, tỏa cảng"
14:39, 02/03/2020
[COVID-19] Dịch bệnh có giảm đi khi mùa hè đến?
04:46, 02/03/2020
[COVID-19] Cách ly 229 người Việt và du khách về từ Hàn Quốc
21:10, 01/03/2020
[COVID-19] Hà Nội và TP HCM lập thêm bệnh viện dã chiến vì quá tải người cách ly
06:10, 01/03/2020
[COVID-19] Hàn Quốc ghi nhận ca tái nhiễm đầu tiên
05:27, 01/03/2020
Không lơ là, chủ quan
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của quân đội, thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt 5 yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh: Không để dịch lây lan rộng; không để xảy ra lây nhiễm chéo; không có người chết vì dịch bệnh; không để tâm lý xã hội hoảng loạn hay chủ quan; không để ảnh hưởng xấu tới kinh tế-xã hội, hợp tác quốc tế song phương cũng như đa phương.
Ngay từ đầu chúng ta đã xây dựng 5 kịch bản ứng phó các cấp độ dịch bệnh, chúng ta lường trước những tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không bao giờ xảy ra, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ.
Chúng ta chủ động làm sớm và cao hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm sớm ngắt dịch đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch, nhưng cũng linh hoạt, kịp thời thay đổi chiến thuật khi tình hình thay đổi. Chủ động công khai, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh để mọi người hiểu và mọi người dân đều tham gia chống dịch; đồng thời chúng ta cũng xử lý hài hoà các quan hệ quốc tế,…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bây giờ chưa thể nói chúng ta đã thành công, nếu coi phòng chống dịch như một cuộc chiến thì chúng ta mới chiến thắng chiến dịch mở màn.
“Nếu 1 tuần nữa không xuất hiện thêm ca nhiễm mới chúng ta mới đến thời hạn có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, từ một tâm dịch ban đầu là Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tâm dịch mới tại Hàn Quốc, Italy, Iran,… Chúng ta phải chuyển trạng thái từ ngăn chặn sang vừa phải ngăn chặn, vừa giảm lây lan trong cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, khẳng định, phải lường trước nhiều khả năng biến động tiêu cực để có giải pháp ứng phó thích hợp.
Nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, lơ là, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, trong đó có quân đội, tiếp tục kiên trì nguyên tắc chống dịch, đồng thời xây dựng các giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, dự phòng trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực phát hiện ngay tại cơ sở để khoanh vùng điều trị tại chỗ; rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành sao cho nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả hơn; đồng thời rà soát lại những quy định chưa phù hợp để điều chỉnh… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không được chủ quan, bao giờ dập được dịch hoàn toàn chúng ta mới yên tâm".