[COVID-19] Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần và kinh nghiệm!

Thy Hằng 09/03/2020 14:50

Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh” - Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất.

Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế để ngăn chặn COVID-19 thành công.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch.

Nhìn nhận trạng thái mới của dịch COVID-19 một cách bĩnh

Cập nhật đến 11h00 ngày 9/3, thế giới ghi nhận 109.970 người mắc, 3.828 người tử vong vì COVID-19 tại 101 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó lục địa Trung Quốc có 3.119 người tử vong.

Xu hướng hiện nay cho thấy số mắc mỗi ngày không có tình trạng tăng vọt, duy trì ở mức khoảng trên 1.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày và có thể tăng nhẹ trong một vài ngày tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới và “chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta một cách bình tĩnh”. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản.

Tính đến sáng ngày 9/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 14 ca mới đang được chữa trị.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định luôn nắm rõ mọi tình hình, sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân. “Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất.

Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu kịp thời, đặc biệt tăng cường năng lực y tế cả Trung ương và địa phương.

“Các đồng chí nói là chúng ta có khoa học công nghệ, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có bệnh viện lớn, chuyên sâu đã từng chữa cho 16 người khỏi bệnh, ra viện, chứ không phải dương tính là chết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, không để đội ngũ phòng chống bệnh, đội ngũ quản lý cách ly hay người dân tại khu vực cách ly bị khó khăn, bị thiếu thốn hay có tâm lý hoang mang, mệt mỏi.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19 giai đoạn 2: Toàn dân đồng lòng chống dịch!

    11:30, 09/03/2020

  • Cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 xuất phát từ chuyến bay VNA0054

    06:27, 09/03/2020

  • Xuất hiện bệnh nhân thứ 30 nhiễm COVID-19 tại Huế

    19:30, 08/03/2020

  • Cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân thứ 17

    19:29, 08/03/2020

  • Cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân thứ 17

    18:39, 08/03/2020

  • [COVID-19] Phát hiện 8 ca nhiễm mới trên chuyến bay VN0054

    18:14, 08/03/2020

Xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực

Tất cả địa phương trong cả nước phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kịp thời kiểm điểm, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là nguồn lây từ nước ngoài

Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt lưới những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao. Du lịch phải bảo đảm an toàn.

Cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Cập nhật tình hình diễn biến COVID-19 trên thế giới.

Cập nhật tình hình diễn biến COVID-19 trên thế giới.

Thủ tướng cũng lưu ý việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay. Phản ứng nhanh và hiệu quả là phương châm hành động. Trước hết, cần phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.

Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các phương tiện khác bảo đảm đầy đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. “Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị làm tốt hơn nữa thông tin đến người dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như một số trường hợp vừa qua”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính sẵn sàng ưu tiên ngân sách xứng đáng cho công tác nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vaccine.

Thủ tướng cũng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…

Thủ tướng đồng ý việc tạm dừng đơn phương miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị: “Chính phủ đề nghị mỗi người dân, gia đình, tổ chức và doanh nghiệp tiếp nhận hợp lý, có sàng lọc đối với các thông tin về dịch COVID-19, cần phải hết sức bình tĩnh. Bởi tâm lý lo sợ của người dân còn nguy hiểm hơn là bệnh dịch".

“Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch bệnh trong thời gian tới”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời cho rằng tất cả người dân, mỗi cán bộ công chức, các lực lượng vũ trang cần có những biện pháp phù hợp, tự bảo vệ mình, gia đình mình, coi vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ, lành mạnh như thói quen hằng ngày, ăn ở lành mạnh và lạc quan, tránh tụ tập đông người, hạn chế hội họp, giao lưu không cần thiết.

Bình tĩnh nhưng không duy ý chí, không được chủ quan, cố gắng duy trì thói quen tốt của người dân như tập luyện thể dục thể thao và những hoạt động giữ gìn sức khỏe...

Nhắc lại phương châm “vaccine có sẵn của người Việt Nam là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường, càng khó càng mạnh mẽ, càng tiến lên”, Thủ tướng nêu rõ, trận chiến chống dịch bệnh có thể kéo dài nhưng dân tộc chúng ta là dân tộc bền chí, càng đánh càng giỏi, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà là thắng lợi kép.

Việt Nam có 30 trường hợp nhiễm COVID-19
Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
14 ca nhiễm tại Việt Nam đang điều trị gồm có:
- 01 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17).
- 01 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (Bệnh nhân 18).
- 02 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (Bệnh nhân 19, bệnh nhân 20).
-01 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (Bệnh nhân 21).
- 09 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ Bệnh nhân 22 đến Bệnh nhân 30).
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (04); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (04); Lào Cai (02); Đà Nẵng (02); Huế (01).
Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 2.138 trường hợp.

Thy Hằng