[COVID-19] Bệnh nhân thứ 17 “lọt lưới” và nguy cơ lây nhiễm trên máy bay

Thy Hằng 09/03/2020 16:59

Nữ hành khách N.H.N đã khai báo không trung thực, khẳng định chỉ đi từ Anh mà không qua các nước khác dẫn đến việc bỏ lọt ca bệnh thứ 17 này trên chuyến bay VN0054.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, ca COVID-19 thứ 17, bệnh nhân tên N.H.N của Việt Nam và là ca đầu tiên của Hà Nội đã nhập cảnh sân bay Nội Bài vào rạng sáng ngày 2/3.

Hà Nội phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054, sau đó 10 ca nhiễm khác cùng trên chuyến bay.

Hà Nội khử trùng sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054 và 10 ca nhiễm khác cùng trên chuyến bay. Ảnh: Quốc Tuấn

Ngay khi xuống sân bay trên chuyến VN0054, bệnh nhân đã được yêu cầu khai báo y tế. Được biết tại thời điểm này, việc khai báo y tế với hành khách từ Italy đã được thực hiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói, nữ hành khách đã khai báo không trung thực, khẳng định chỉ đi từ Anh mà không qua các nước khác dẫn đến việc bỏ lọt ca bệnh.

“Việc khai báo y tế trung thực là tùy thuộc vào ý thức của người khai báo. Ai khai không đúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Dựa trên khai báo y tế, chúng tôi phân loại cách ly và phỏng vấn. Việc kiểm tra hộ chiếu là nhiệm vụ của công an cửa khẩu”, ông Tuấn khẳng định.

Cùng với đó, tại thời điểm nhập cảnh, bệnh nhân không sốt nên máy đo thân nhiệt cũng không phát hiện được.

>>> Cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân thứ 17 TẠI ĐÂY.

>>> Cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 xuất phát từ chuyến bay VNA0054 TẠI ĐÂY.

Cũng trong vòng mấy ngày qua, các trường hợp xác nhận dương tính với COVID-19 trên cùng chuyến bay VN0054 này cũng được xác định, bao gồm 1 hành khách người Việt và 9 du khách nước ngoài, đặt ra vấn đề về kiểm soát khai báo y tế tại khu vực sân bay-“cửa ngõ” để nhập cảnh cũng như nguy cơ lây nhiễm trên máy bay.

“Máy bay là một không gian công cộng nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, nhất là khi mầm bệnh có thể sống trên bề mặt trong một khoảng thời gian dài”, Nhà dịch tễ học Aaron Milstone, Bệnh viện Johns Hopkins nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần và kinh nghiệm!

    14:50, 09/03/2020

  • [COVID-19] Khai báo y tế toàn dân được thực hiện như thế nào?

    12:00, 09/03/2020

  • [COVID-19] Phát hiện 8 ca nhiễm mới trên chuyến bay VN0054

    18:14, 08/03/2020

  • [COVID-19] Vì sao bệnh nhân thứ 21 có nguy cơ lây nhiễm cao?

    16:57, 08/03/2020

  • [COVID-19] Niềm tin - vaccin trong đại dịch

    15:00, 08/03/2020

  • [COVID-19] Hà Nội đề nghị công bố dịch sau 4 ca nhiễm liên tiếp

    13:38, 08/03/2020

  • [COVID-19] Thủ tướng yêu cầu hoãn công tác nước ngoài để phòng, chống dịch

    13:05, 08/03/2020

Đến thời điểm hiện tại, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chỉ có 3 đường lây cơ bản của virus corona, bao gồm: Lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

Một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học về “Các di chuyển ngẫu nhiên của hành khách trên chuyến bay ảnh hưởng thế nào đến xác suất bị lây nhiễm” chỉ ra rằng, nếu người nhiễm COVID-19 là hành khách trên máy bay, những khách khác ở khu vực ghế giữa và sát lối đi có nguy cơ lây nhiễm vì có tới 62% hành khách đều rời ghế của mình vì lý do nào đó trên chuyến bay.

“Giả sử như bạn đang ngồi ở ghế sát hành lang và ghế chính giữa và tôi là một hành khách đang đi vào toilet, chứng tỏ bạn sẽ tiếp xúc gần với tôi, nghĩa là khoảng cách của chúng ta trong khoảng 1 mét. Trong trường hợp này, nếu tôi là người bệnh, tôi có thể lây nhiễm cho bạn. Đó chính kết quả mà nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra”, GS Howard Weiss (Đại học Emory), tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra vị trí trên máy bay an toàn nhất để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đó chính là ghế ngồi cạnh cửa sổ.

Tuy nhiên, GS Howard Weiss cũng nhấn mạnh rằng, nguy cơ lây nhiễm trên máy bay vẫn không phải quá lớn bởi thời gian tiếp xúc thường ngắn: “Ngay cả khi bạn ngồi ở ghế sát hành lang và có nhiều người di chuyển qua, thì họ vẫn sẽ đi khá nhanh từ đó giảm thời gian tiếp xúc, đồng nghĩa giảm nguy cơ lây nhiễm”. - GS Howard Weiss nói.

Đặc biệt, nếu người nhiễm bệnh lại chính là thành viên của phi hành đoàn, đặc biệt là đội ngũ tiếp viên hàng không thì nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Kết quả chỉ ra rằng, 1 phi hành đoàn nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho trung bình 4,6 hành khách.

Trước tình trạng này, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn yêu cầu các sân bay bên cạnh đảm bảo an ninh phải tham gia giám sát chặt chẽ việc khai báo y tế, đảm bảo không để lọt, bỏ sót hành khách nhập cảnh vào Việt Nam mà không thực hiện thủ tục khai báo y tế.

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) nhấn mạnh, vấn đề khai báo y tế trung thực phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người.

Để hạn chế những trường hợp khai báo không trung thực này, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an (lực lượng xuất nhập cảnh) phối hợp với các bộ ngành như Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội (lực lượng quản lý lao động  ngoài nước)… phối hợp và phát hiện.

Khi về đến địa phương, chính quyền cấp phường xã cũng phải tham gia cùng phát hiện, thậm chí cả người dân cũng tham gia phát hiện những trường hợp như thế.

Cũng theo ông Phu, cá nhân bị phát hiện hành vi khai man tờ khai y tế sẽ phải thực hiện cưỡng chế cách ly. Kèm theo đó, người này sẽ chịu xử phạt về việc khai báo dịch bệnh truyền nhiễm (được quy định trong Luật Truyền nhiễm, NĐ 176 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Việt Nam có 30 trường hợp nhiễm COVID-19
Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. 14 ca nhiễm đang điều trị gồm có:
- 1 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17).
- 1 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (Bệnh nhân 18).
- 2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (Bệnh nhân 19, bệnh nhân 20).
- 1 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17 (Bệnh nhân 21).
- 9 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam.

Thy Hằng