[COVID-19] Kiểm soát hai nguồn lây nhiễm đặc biệt tại bệnh viện Bạch Mai

Thy Hằng 28/03/2020 21:01

Bên cạnh nguồn lây nhiễm từ nhân viên y tế, chuyên gia lưu ý hai nguồn lây mới từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và từ người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp của bệnh viện.

Nhiều chuyên gia nhận định, Bệnh viện Bạch Mai cùng quán bar Buddah là hai ổ dịch nguy hiểm. Đặc biệt, Bạch Mai là ổ dịch rất lớn, nơi rất tiềm tàng, phức tạp, nguy hiểm nhất của cả nước. 

 Tối 28/3, hàng chục xe chuyên dụng của Binh chủng Hóa học đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để phun khử trùng phòng chống dịch COVID-19.

Tối 28/3, hàng chục xe chuyên dụng của Binh chủng Hóa học đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để phun khử trùng phòng chống dịch COVID-19.

Bệnh viện Bạch Mai hiện đã ghi nhận 11 ca nhiễm COVID-19 gồm 2 điều dưỡng; bệnh nhân số 133 tại Lai Châu; bệnh nhân số 161 cùng 2 người nhà (bệnh nhân số 162 và 163); hai nhân viên giao nước sôi, 1 nhân viên nhà ăn bệnh viện (bệnh nhân số 174); bệnh nhân số 170, bệnh nhân số 172.

Ba nguồn lây nhiễm 

Tại cuộc họp trực tuyến với thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia, ngày 28/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dồn lực dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới.

Theo Phó Thủ tướng, việc dập các ổ dịch có tính quyết định khi đã lây lan vào cộng đồng. Việt Nam đã làm tốt với các ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch tại Bình Thuận, chuyến bay VN54... Hiện còn hai ổ dịch phải đặc biệt lưu ý là quán bar Buddah (TP HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Phó thủ tướng yêu cầu lập danh sách toàn bộ những người đã đến bệnh viện từ 12/3 đến nay. Các địa phương có người từng đến đây đều phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này.

Đáng lưu ý, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng chia sẻ, sau khi theo dõi rất sát và phân tích ngày đêm để tìm ra đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia dịch tễ học ban đầu đã tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế.

Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm thì thấy chưa thuyết phục. Đường lây nhiễm thứ hai, có dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 

Cùng với đó, điều tra dịch tễ tiếp theo lại cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong bệnh viện. Hiện, công ty cung cấp dịch vụ tại bệnh viện Bạch Mai đã có 5 người nhiễm nCoV.

Các chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục điều tra nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng nguy cơ lây nhiễm từ hai nguồn này "là rất nguy hiểm vì di chuyển qua nhiều bệnh viện". "Tới đây, không chỉ Bạch Mai mà các bệnh viện khác cũng phải đặc biệt chú ý hai nguồn này", ông Phu cảnh báo. 

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Bệnh viện Bạch Mai có hai ổ dịch?

    13:25, 28/03/2020

  • Bệnh viện Bạch Mai có thể thành ổ dịch giống như Bệnh viện ở Daegu (Hàn Quốc)?

    01:44, 26/03/2020

  • [COVID-19] Bệnh viện Bạch Mai ra thông báo khẩn, dừng khám bệnh theo yêu cầu

    11:26, 22/03/2020

Bảo đảm an toàn y bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân

Trên thực tế, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 11 ca nhiễm COVID-19, nơi đây được đánh giá là một ổ dịch lớn, nguy hiểm.

Tất cả y bác sỹ, nhân viên, bệnh nhân đã được cách ly, xét nghiệm. Tuy nhiên, bởi đây là bệnh viện là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại nên lây nhiễm có thể không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm ở Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác là rất lớn.

Được biết, sau khi 2 ca bệnh mới được phát hiện trưa ngày 28/3, Bệnh viện đã thực hiện cách ly toàn bộ khu vực khuôn viên, thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không tiếp nhận các bệnh nhân mới; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động và áp dụng nhanh chóng các biện pháp cách ly khác. 

"Chúng ta đã lần lượt kiểm soát các nguồn lây bệnh. Cán bộ, nhân viên y tế đang cách ly tại bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục điều trị các bệnh nhân còn ở trong. Bộ Y tế sẽ cung cấp thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị điều trị để bảo đảm cán bộ, nhân viên y tế có thể hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói. 

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh giải pháp điều tra dịch tễ truyền thống, cần đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế để "từ trong rà soát ra" và "bao lưới từ ngoài vào", nhằm khoanh vùng, xác định trường hợp liên quan. 

Các chuyên gia thống nhất, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nếu không cần thiết ở lại thì được di chuyển đến khu cách ly tập trung. Các bệnh nhân còn lại trong viện sẽ tiếp tục được điều trị. Trường hợp được điều trị khỏi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về dịch tễ mới được xuất viện.

Lực lượng y tế sẽ cách ly tập trung trong bệnh viện. Nếu phải luân phiên thì người vào thay cũng phải cách ly tập trung trong viện, còn người ra ngoài cách ly ở cơ sở tập trung dân sự. 

Thy Hằng