[COVID-19] Việt Nam sẽ không có "đỉnh dịch" nếu làm tốt cách ly xã hội

Thy Hằng 07/04/2020 00:15

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu làm tốt cách ly xã hội, ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, các địa phương, người dân đã thay đổi nếp sống, thực hiện cách ly xã hội hiệu quả, do đó, chống địch đã đạt được một số điểm tích cực.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ cho biết trong giai đoạn 3, chiến lược của chúng ta là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.

Theo đó, chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Việt Nam đã có tổng cộng 95 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. 29 bệnh nhân có kết quả âm tính lần một, 23 người âm tính lần hai với SARS-CoV-2.

Việt Nam đã có tổng cộng 95/245 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, 29 bệnh nhân có kết quả âm tính lần một, 23 người âm tính lần hai với SARS-CoV-2. Ảnh: Quốc Tuấn

Từ nay đến ngày 15/4, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.

“Phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những phóng viên chiến trường, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế phải quan tâm tạo điều kiện bảo vệ anh em không bị phơi nhiễm dịch” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

“Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh”, Người dứng đầu Chính phủ nói.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở TPHCM và Hà Nội. Chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến.

Các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

“Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân”. Thủ tướng nói, nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm 4 ca nhiễm COVID-19 mới, chuyên gia cảnh báo không chủ quan khi số ca nhiễm mới giảm

    18:30, 06/04/2020

  • Thủ tướng: Sự chấp hành của người dân giúp chống dịch COVID-19 đạt kết quả tích cực

    16:25, 06/04/2020

  • Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói hỗ trợ, không để người dân “đói cơm lạt muối”

    19:40, 05/04/2020

  • Hà Nội có ca COVID-19 ủ bệnh tới 23 ngày sau khi đi khám tại bệnh viện Bạch Mai

    15:15, 06/04/2020

  • [COVID-19] Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực "giải cứu" từ Chính phủ

    15:47, 06/04/2020

Chương trình toàn diện phục hồi kinh tế

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, các cơ quan liên quan có đề xuất cụ thể với Thủ tướng.

Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc, cần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn. “Chúng ta cần phải biết được khó khăn của người dân bằng nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để có sự hỗ trợ kịp thời”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng cũng có những cơ hội, cần tập trung khai thác, đó là đổi mới phương thức hoạt động, những ngành công nghiệp và dịch vụ mới, có thể đó là những quyết định mạnh mẽ cho những vấn đề mà bấy lâu nay ta đang cân nhắc, có thể là những thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

Việt Nam hiện ghi nhận 245 ca nhiễm COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn

Việt Nam hiện ghi nhận 245 ca nhiễm COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Người đứng đầu Chính phủ, máy thở là thiết bị quan trọng trong điều trị bệnh về phổi nói chung và đặc biệt COVID-19, cho nên, Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở. Đến thời điểm này 2 đơn vị rất nhiệt tình là Tập đoàn Vingroup và một cơ sở sản xuất ở Bình Dương. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh máy thở. 

Thủ tướng cũng cho rằng cần thành lập một bộ phận chuyên gia ở Bộ Y tế để theo dõi, phân tích thông tin, đề xuất Ban chỉ đạo và Chính phủ về vấn đề này.

Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao, các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch sớm nhất đón các công dân Việt Nam còn mắc kẹt ở một số sân bay về nước.

Thy Hằng