[COVID-19] Nhiều giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội dự kiến được "quyết" trong ngày 22/4
Hôm nay (22/4), Chính phủ dự kiến sẽ quyết định lại chính sách về thực hiện giãn cách xã hội chống dịch COVID-19.
Dự kiến, Chính phủ điều chỉnh nguy cơ với nhiều địa phương và áp dụng nới lỏng giãn cách xã hội tại các địa phương đã an toàn.
Điều chỉnh nguy cơ với nhiều địa phương
Việt Nam tiếp tục bước sang ngày thứ 6 chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tính từ ngày 17/4 đến nay. Cả nước có 268 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó, 216 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Còn 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế trên cả nước.
Dự kiến, trong hôm nay, 6 người sẽ được công bố khỏi bệnh. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 12 người. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 người.
Như vậy, cả nước đã có một tuần “an toàn” thực hiện giãn cách xã hội tuyệt đối với nhóm địa phương nguy cơ cao. Nhiều địa phương trong nhóm này như Hà Nội và TP HCM đã kiến nghị xin nới lỏng giãn cách xã hội để thực hiện vừa chống dịch vừa hồi phục kinh tế.
Trong đó, Hà Nội dự kiến cho các cửa hàng kinh doanh trở lại nhưng bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ví dụ cửa hàng ăn uống phải đảm bảo khoảng cách trong cửa hàng, khách đến ăn không ngồi đối diện mà ngồi một chiều như một số nước đã áp dụng.
Ngoài ra, các khu di tích cũng có thể được mở cửa nhưng khách vào tham quan phải tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách tối thiểu, bắt buộc đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, các loại hình kinh doanh như quán bar, karaoke, cơ sở massage… chưa được mở cửa kinh doanh trở lại. Các sự kiện tôn giáo, văn hóa, thể thao tập trung đông người cũng chưa được tổ chức.
“Ngay từ ban đầu, Hà Nội đã thực hiện song song mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, TP sẽ tập trung từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, vì không thể đóng cửa mãi”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Dù muốn nới lỏng giãn cách xã hội trên địa bàn, Chủ tịch Hà Nội khẳng định sẽ không có chuyện bỏ hết tất cả yêu cầu về cách ly. Những nơi có nguy cơ cao như các khu vực công cộng, các nơi từng là ổ dịch như ở huyện Mê Linh, Thường Tín tiếp tục phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ.
Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và thành phố coi đây là biện pháp bắt buộc. “Chúng ta không được chủ quan để tránh việc tái nhiễm, hoặc lây nhiễm bởi có trường hợp ủ bệnh không có biểu hiện có thể lây bệnh trong cộng đồng”, ông Chung nói.
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định cũng có đề xuất xin nới lỏng cách ly, đồng thời xây dựng tiêu chí an toàn cho từng ngành, lĩnh vực.
Đồng tình với kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội của một số địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự kiến, Chính phủ điều chỉnh nguy cơ với nhiều địa phương và áp dụng nới lỏng nhiều giải pháp ở các địa phương đã an toàn.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu: “Chúng ta hoạt động trở lại bình thường trong tình hình mới”.
Theo đó, từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, Tuy nhiên, tuyệt đối không được lơ là. Các địa phương, người dân cả nước kiên định thực hiện nguyên tắc phòng, chống dịch là ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch khi phát hiện và điều trị với tinh thần bốn tại chỗ, không chủ quan, thỏa mãn.
Được biết, chỉ đạo chung của Chính phủ là vẫn chưa nới các chính sách nhập cảnh để ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài vào. "Chủ trương của Chính phủ là ngăn chặn từ bên ngoài, giãn cách xã hội ở bên trong. Khi có ca nhiễm mới thì lập tức khoanh vùng, cách ly, dập dịch, không để hình thành và phát triển các ổ dịch", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Khi tình hình dịch đã được kiểm soát, Chính phủ sẽ dần thực hiện giải pháp nới lỏng để đồng thời cho hoạt động cộng đồng, kinh tế xã hội trở lại bình thường. Ví dụ cho phép phương tiện công cộng hoạt động trở lại nhưng đảm bảo khoảng cách an toàn, việc đi học lại của học sinh cần được tính toán đảm bảo giãn cách xã hội trong trường, lớp. Tuy nhiên các hoạt động cộng đồng như lễ hội, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, các chương trình hòa nhạc, ca nhạc, thể thao chưa thể mở lại.
Với trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn thực hiện cho phép nhập cảnh tuy nhiên phải thực hiện cách ly. “Chúng ta sẽ nới lỏng từng bước, từng giải pháp chứ không thể ngay lập tức mở toang cửa, bỏ hết các giải pháp chống dịch cùng lúc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Người dân tự ý “nới lỏng” giãn cách xã hội
12:57, 21/04/2020
Trước ngày hết cách ly xã hội, người dân đổ ra đường bất chấp lệnh cấm
01:13, 22/04/2020
Hà Nội, TP HCM kiến nghị "nới lỏng" cách ly xã hội sau ngày 22/4
16:35, 20/04/2020
Kiến nghị khai thác trở lại tất cả đường bay nội địa từ 23/4
00:00, 22/04/2020
Hải Phòng: Từ ngày 23/4 cho học sinh đi học trở lại
23:02, 21/04/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần nới lỏng một bước, tiến tới bình thường trong điều kiện mới
18:23, 20/04/2020
Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chủ động tính toán đề dần hồi phục kinh tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định: “Trong thời điểm này, nới lỏng là cần thiết vì cần tranh thủ phục hồi kinh tế, xã hội”.
Theo Người phát ngôn Chính phủ đánh giá, nhiệm vụ phục hồi kinh tế cũng rất khó khăn vì thời gian qua bị tác động, cắt khúc, gián đoạn bởi dịch bệnh. Trước mắt, cần phát huy nền kinh tế nội tại, tập trung cho nông nghiệp và những sản phẩm có ưu thế trong nước.
Nới lỏng từng phần, từng lĩnh vực
Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, nhiều ngày chúng ta không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan, nhưng dịch vẫn khó dự đoán.
Đặc biệt, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là kêu gọi ý thức tham gia của mỗi người dân.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì cho rằng, trước mắt cần rà soát, những địa phương chưa từng có người bệnh, nguy cơ ít thì có thể nới lỏng trước. Mỗi địa phương cần có biện pháp xây dựng chính sách nới lỏng riêng. ‘
“Ngoài xem xét địa phương có nguy cơ thì phải phân loại thêm quy mô kinh tế, ngành nghề ảnh hưởng đến vai trò xã hội thì nới lỏng trước, các quán nhậu, karaoke, bar… nới lỏng sau cùng”, TS Lê Quốc Hùng nói.
Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đặc biệt nhấn mạnh việc xem xét khả năng kiểm soát, dập dịch, quản lý an ninh xã hội và xây dựng khu cách ly, điều trị của từng địa phương.
“Khi đã có kịch bản cho từng địa phương một thì việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ an toàn hơn. Nếu nới lỏng đồng loạt và rộng khắp các địa phương thì có thể chúng ta sẽ vỡ trận. Ngoài ra, dù có tiếp tục giãn cách xã hội hay không thì người dân vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch, tự phòng hộ cho bản thân và những người xunh quanh”, TS Hùng khẳng định.
Dù cũng “nóng lòng” muốn nới lỏng để khôi phục kinh tế, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu mở cửa trở lại tất cả cơ sở, ngành nghề kinh tế thì sẽ rất nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tiếp xúc nhiều người như quán ăn, tiệm cắt tóc, massage… sẽ phải mở cửa lại muộn nhất sau khi đã khống chế được dịch. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng tương tự.
“Những biện pháp giãn cách, cách ly vẫn phải áp dụng nếu có mở cửa lại các ngành nghề kinh tế, các hoạt động khác. Một số nhà hàng vẫn có thể mở cửa lại nhưng bàn ghế phải bố trí cách xa nhau chẳng hạn. Các nhà máy, công ty hoạt động trở lại phải đảm bảo các biện pháp giãn cách giữa các công nhân, thực hiện đeo khẩu trang, vệ sinh...”, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.
Ông Hiếu cho rằng, cần xây dựng được chương trình xét nghiệm đại trà ở những vùng được đánh giá là nguy cơ cao bùng phát dịch. Các nhà khoa học trong nước cần phải đưa ra một mô hình kiểm soát sự phát triển và lây lan dịch bệnh ở Việt Nam để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh và dễ dàng hơn trong việc áp dụng, thực hiện. Việc kiểm soát, hạn chế xuất nhập cảnh vẫn phải tiếp tục được thực hiện dù ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch...