Phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy nguồn bệnh COVID-19 tái khởi phát từ Đà Nẵng
Kết quả phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy Đà Nẵng là nơi tái phát nguồn bệnh COVID-19 đợt mới này với ổ dịch là cụm 3 bệnh viện, đây là nhận định quan trọng để tập trung khoanh vùng dập dịch.
Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 đã phân tích dữ liệu, kết nối trực tuyến với các đội “đặc nhiệm” do Bộ Y tế cử vào Đà Nẵng để đưa ra các nhận định, dự báo.
Ổ dịch lớn nhất là cụm 3 bệnh viện Đà Nẵng
Theo phân tích của Nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định: Khả năng cao là nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Trong những ngày tới Nhóm tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7 dịch mới phát ở Đà Nẵng, bởi kết quả xét nghiệm những ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính”.
Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng còn các địa phương khác thì tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.
Ông Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng nhóm cũng nhận định, kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng. Thứ hai, ổ dịch tại khu 3 Bệnh viện ở TP. Đà Nẵng khá giống với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng theo phân tích của Nhóm thì trên địa bàn Đà Nẵng, dù có một số ca ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện. Trong các bệnh viện này cũng tập trung ở một số khoa.
Tình trạng khá tương đồng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây. Do đó, dự báo trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.
Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Các chuyên gia cũng nhận xét việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở BV Bạch Mai làm nhanh hơn.
Thành lập đội thường trực đặc biệt
Trước tình hình này, đêm 30/7 Bộ Y tế đã quyết định thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt” chống dịch COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng.
Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Đội thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế bao gồm 65 người là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ.... từ các đơn vị của Bộ Y tế và các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Tim Hà Nội, và các trường Đại học như Đại học Y Dược Huế, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.
Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng bao gồm 4 đội hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật bao gồm: Đội Điều tra giám sát dịch; Đội Điều trị; Đội Xét nghiệm; Đội Truyền thông.
Đây là lực lượng phòng, chống dịch tinh nhuệ của Bộ Y tế đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận; nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2 và điều trị thành công các ca bệnh COVID-19 nặng trong thời vừa qua... Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Lập bệnh viện dã chiến Cung thể thao Tiên Sơn
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19...
"Ngành y tế tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các chuyên gia ở các bệnh viện đầu”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ BV Đà Nẵng ra điều trị ở BV Trung ương Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng.
Cùng ngày, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.
Cung thể thao Tiên Sơn được đầu tư hiện đại và tương đối tách biệt khỏi các khu dân cư, được coi là địa điểm lý tưởng để thiết lập bệnh viện dã chiến. Ông Ngô Trường Thọ, giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao TP Đà Nẵng, cho biết phần mặt bằng sân thi đấu bên trong rộng 2.400m2 cộng với diện tích các hành lang, các khán đài (sau cải tạo) có thể bố trí hàng ngàn giường bệnh.
Về vấn đề vệ sinh, hạ tầng nơi đây có thể đáp ứng cho 7.000 người. Sảnh đón tầng trệt và tầng 2 rất rộng, đủ chỗ bố trí cùng lúc nhiều phương tiện y tế. Trong điều kiện thi công gấp rút, nơi này sẽ có thể tiếp nhận bệnh nhân sau 4 ngày xây dựng
Có thể bạn quan tâm
eMagazine: Vì sao dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam?
12:00, 31/07/2020
Bùng phát dịch COVID-19: Xin đừng “thèm” về quê lúc này!
07:20, 31/07/2020
Thêm 45 người nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng, Việt Nam có 509 ca bệnh
06:08, 31/07/2020
Tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đang rất nguy cấp
19:59, 30/07/2020
Vì sao cả 5 bệnh viện đều “bỏ lọt” bệnh nhân COVID-19 số 449?
15:45, 30/07/2020
Bệnh nhân COVID-19 mới thứ hai của Hà Nội đã đi những đâu?
11:00, 30/07/2020
Hà Nội xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hơn 21.000 người từ Đà Nẵng trở về trong 3 ngày tới
00:56, 30/07/2020