COVID-19 là “động lực” để thay đổi: Doanh nghiệp buộc chuyển đổi số

BÙI PHÚ 06/08/2020 11:00

COVID-19 đang tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

 FPT - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

FPT - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

Đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình số hoá trong lúc Chính phủ và doanh nghiệp nỗ lực kết nối và cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cho cộng đồng những người dễ bị tổn thương.

Bước qua chuyển đổi

Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chỉ khoảng 15% và chỉ có 30% trong số này đã tìm hiểu và sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số.

Nhưng có tới 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn nên không quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số mà ưu tiên đầu tư vào các hình thức tăng trưởng ngắn hạn. Trong khi đó, chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Điều này giúp đảm bảo tính sống còn của doanh nghiệp nhờ những ưu điểm vượt trội như tối ưu chi phí hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Theo báo cáo mới nhất của DBT Center, trong 5-10 năm tới, 60% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải nếu không chuyển đổi số. Hệ quả của việc chậm chuyển đổi có thể được nhìn thấy qua rất nhiều cái tên lừng lẫy một thời như Kodak, Yahoo, Nokia... nay đã chìm vào quên lãng.

Tại Việt Nam, Sách Trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

Tái phát triển và tư duy lãnh đạo

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở một góc độ tích cực, chính dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Đặc biệt là khi lệnh cách ly xã hội được ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đồng loạt chỉ bán take away (mua mang đi), cửa hàng đóng cửa và sản phẩm từ quầy được đem lên mạng một cách triệt để. Các siêu thị cũng đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online, các hãng xe công nghệ cũng nhanh chóng cho ra đời các dịch vụ mới như "đi chợ online"... Một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản cho các dự án lên mạng, bán qua các phần mềm, thực hiện quay video giới thiệu dự án cho khách hàng thay vì xem trực tiếp như trước.

Khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số chi phí từng được doanh nghiệp cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi (ví dụ: chi phí thuê văn phòng). Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp (ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc).

Rõ ràng, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt khó khăn.

Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Và có tới 7/10 doanh nghiệp triển khai mô hình kinh doanh mới này và thất bại. Nhưng chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức, nếu không muốn nói là nguy cơ, như an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, gian lận kỹ thuật số, thông tin sai lệch và khoảng cách số và các vấn đề về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) doanh nghiệp có thể làm được nếu quyết tâm. Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trần Mạnh Hùng nhận định thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc lớn vào quyết tâm của lãnh đạo!

Có thể bạn quan tâm

  • Dịch COVID-19 bùng phát: Xin hãy vì nhau!

    08:05, 06/08/2020

  • Ô nhiễm không khí: “Thủ phạm” làm tăng số ca tử vong vì COVID-19

    05:00, 06/08/2020

  • Chủ tịch Vietravel: COVID-19 trở lại là cú "đánh bồi" với doanh nghiệp du lịch

    03:39, 06/08/2020

  • INFOGRAPHIC: Tinh thần tương trợ Đà Nẵng trong dịch COVID-19

    11:00, 05/08/2020

  • Bước tiến lớn trong việc điều trị COVID-19

    06:30, 05/08/2020

  • COVID-19: Hãy ngừng đổ lỗi!

    05:35, 05/08/2020

BÙI PHÚ