Dịch COVID-19: Sẽ không còn những “khoảng yên bình”

ANH DUY 14/08/2020 16:30

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định "từ nay trở đi sẽ không có "khoảng yên bình", mà sẽ thường xuyên xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ tại các tỉnh, thành phố".

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia nhận định thời gian tới sẽ không còn những thời điểm nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. 

Quyền

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định thời gian tới sẽ không còn những thời điểm nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. 

Phải chung sống an toàn với dịch

Tính đến ngày 14/8, Việt Nam có tổng cộng 929 ca mắc COVID-19, trong đó 328 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 461 ca. Dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 4 tỉnh/thành phố nước ta.

Mặc dù đến thời điểm này đã có 437 bệnh nhân/929 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Chiếm 47% tổng số  tổng số ca bệnh. Tuy nhiên cũng đã có 21 ca tử vong do bệnh nền quá nặng.

Trước thực tế này, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề nghị nâng mức độ cảnh báo trong cộng đồng, khuyến cáo mạnh mẽ người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà. 

Với nguy cơ dịch bệnh thường trực tại tất cả các địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị mới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tăng cường công tác quản lý, siết chặt kiểm tra và chấn chỉnh tình hình tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nêu rõ việc quan trọng nhất hiện nay là kêu gọi và quy định rõ ràng việc người dân thực hiện biện pháp hiệu quả phòng chống dịch như hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay... 

Việt Nam ghi nhận 911 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 361 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam; 21 trường hợp tử vong. 

Các chuyên gia nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước.

Về quản lý đối tượng nhập cảnh là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… đề nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức cách ly, an toàn vệ sinh dịch tễ.

Đồng thời cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới (như một số nước tiên tiến đã thực hiện test nhanh đối với những người vừa xuống sân bay; hay gắn vòng điện tử theo dõi người nhập cảnh) để nhanh chóng sàng lọc, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định. 

Bộ Y tế đang phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, dự kiến hết tháng 8 sẽ "kiểm soát được tình hình".

Chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng quan ngại

Đặc biệt, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng quan ngại. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.

Ban Chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.

Để chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động,... Đây là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời. Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó; đồng thời Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 911 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 361 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam; 21 trường hợp tử vong. 

Từ ngày 23/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 496 trường hợp, trong đó có 52 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 444 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Khánh Hòa. 

Một số địa phương đã có lây nhiễm thứ phát trong phạm vi hộ gia đình (tại Quảng Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn).

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 70 đơn vị thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR, trong đó miền Bắc có 34 đơn vị, miền Trung 6 đơn vị, Tây Nguyên 2 đơn vị, miền Nam 28 đơn vị. Từ ngày 23-7 đến 13-8, gần 253.860 mẫu (trên tổng số gần 669.687 mẫu đã lấy, chiếm 37,9%) được xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam đặt khoảng 50-150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của Nga

    16:00, 14/08/2020

  • Một gia đình tại Đà Nẵng có 5 người mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm gộp

    13:55, 14/08/2020

  • Đà Nẵng có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, được xuất viện

    12:16, 14/08/2020

  • Hải Dương bùng dịch COVID-19, Hải Phòng cấp bách phòng vệ

    12:05, 14/08/2020

  • Vắc xin COVID-19 của Nga và chủ nghĩa đơn phương

    11:12, 14/08/2020

  • Vắc xin COVID-19 của Nga: Ai sẽ mua?

    05:00, 14/08/2020

  • Hải Dương: Tạm dừng các hoạt động bán hàng khi phát hiện 3 ca nhiễm COVID-19

    01:23, 14/08/2020

ANH DUY