Kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là nền tảng phục hồi kinh tế

THY HẰNG 04/09/2020 18:27

Chính phủ yêu cầu củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, an toàn chống dịch là nền tảng để phát triển kinh tế. Chúng ta không bi quan nhưng cũng không chủ quan.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vào chiều ngày 4/9. 

Cân đối vĩ mô ổn định

Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì. Chúng ta cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất có thể nhưng không được chủ quan với dịch bệnh. 

Một điểm sáng nữa là xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua. Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019, là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.

Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định yêu cầu của Thủ tướng là không được chủ quan. Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải đã được giải quyết. 

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. "Đặc biệt, các cân đối vĩ mô ổn định. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Nông nghiệp, nông thôn ổn định, người nghèo, đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 với 96,3% số thí sinh dự thi và hiện nay còn khoảng 3,7% thí sinh đang dự thi đợt 2), đạt kết quả, chưa có trở ngại lớn nào xảy ra.

“Đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch COVID-19. Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố cũng cho thấy năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, Người phát ngôn VPCP cho biết chúng ta đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA. Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch bệnh.

Dư địa xuất khẩu còn lớn

Tuy vậy, một số rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế cũng được chỉ ra. Đó là những rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề này, Thủ tướng cho biết.

Cùng ngày 4/9,

Cùng ngày 4/9, đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Những thách thức cần đặt ra là dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng có thể bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng do nhiều nguồn lây, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, lơ là, không được để dịch bệnh quay trở lại. Kiên quyết khoanh vùng, dập dịch thần tốc.

Bên cạnh đó, tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ.

Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 có tăng lên so với tháng trước nhưng lũy kế 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Số việc làm tạo mới giảm 16,5%. Nhưng điều đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%.

“Bài toán phát triển kinh tế với việc đưa hệ thống các chuyên gia vào đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Đồng thời cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định tinh thần: “Củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, nền tảng an toàn chống dịch là nền tảng để phát triển kinh tế. Chúng ta không bi quan nhưng cũng không chủ quan”.

Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng nhấn mạnh: Điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới. 

Được biết, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn nhận định, còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, những chủ trương, biện pháp, những nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ cần được đẩy mạnh. Cũng cần lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng nêu rõ, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... 

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu kích thích kinh tế mạnh mẽ cả phía cung và cầu

    12:18, 04/09/2020

  • Kinh tế 8 tháng năm 2020 (Kỳ II): Tìm động lực tăng trưởng trong bức tranh "màu xám"

    07:15, 03/09/2020

  • Đầu tư giá trị hay tăng trưởng?

    11:30, 02/09/2020

  • Tăng trưởng GDP năm 2020 lạc quan nhất ở mức 2%

    11:05, 30/08/2020

THY HẰNG