Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10: Sự nghiệp không phân biệt giới!
Phát triển quyền kinh tế của phụ nữ - “sự nghiệp không phân biệt giới” không chỉ giúp doanh nghiệp tạo giá trị kinh tế mà tạo giá trị bền vững cho xã hội.
Bình đẳng giới tại nơi làm việc và phát triển Quyền kinh tế của phụ nữ là vấn đề được nhắc đến nhiều gần đây. Tuy nhiên thực hiện điều này tại các doanh nghiệp dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ, vì vậy cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh.
Vượt qua những rào cản
Chia sẻ về quá trình để vượt qua những rào cản, phát triển bản thân trở thành nhà nữ lãnh đạo, bà Phạm Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Cty Cp Quản lý và Khai thác Cảng Quốc tế Long An, cho rằng, tại Việt Nam, thiên chức và nhân chức của người phụ nữ vẫn bị nhầm lẫn khiến người lao động nữ mất đi nhiều cơ hội việc làm, trong khi đó, người phụ nữ thành công nhiều khi lại phải chịu đơn độc.
“Sự nghiệp 22 năm trong lĩnh vực logistics của tôi đã cũng có nhiều trải nghiệm, từ khi còn là một nữ cán bộ trong một doanh nghiệp logistics của Nhà nước, nhưng rồi không chịu nổi định kiến cho rằng mình thăng tiến nhờ nhan sắc tôi đã ra ngoài tự lập nghiệp", Chủ tịch HĐQT Cty Cp Quản lý và Khai thác Cảng Quốc tế Long An chia sẻ.
Bà Phạm Bích Huệ cho biết, đến khi bỏ qua định kiến xã hội rồi cũng vẫn có những khó khăn của bản thân mà phải tự mình vượt qua. "Từ khi trở thành nữ lãnh đạo, khởi nghiệp một mình, đã có 2 lần tôi buông tay chấp nhận sự việc đến mà mình hoàn toàn bất lực, lần đầu là khi doanh nghiệp của tôi là đơn vị cung cấp giải pháp logistics cho Formosa. Lần 2 là cách đây hơn một năm, vào 7h15 phút sáng ngày 11/4/2019, tôi bất lực nhìn trung tâm logistics đầu tiên mình gầy dựng bị cuốn đi. Mình đứng đó mà mình không nhìn thấy lửa, chỉ thấy những chuỗi ngày đầu mình khởi nghiệp đơn độc vừa làm CEO vừa làm lái xe, chỉ thấy tất cả công sức của mình...bị bốc cháy. Nhưng tôi nghĩ là cần vượt qua chính bản thân mình”, bà Huệ chia sẻ.
Cũng là một nữ lãnh đạo trẻ, bà Nguyễn Ngọc Mỹ, TGĐ Cty CP Địa ốc AlphaNam, đồng tình cho rằng, có nhiều rào cản đến từ chính bản thân phụ nữ.
Là nữ lãnh đạo thế hệ F2, Ngọc Mỹ hiểu rằng: Nếu doanh nghiệp có những chính sách đảm bảo các giá trị bình đẳng thì sẽ có tính cạnh tranh cao trong việc thu hút và giữ chân nhân tài; là tiền đề giúp doanh nghiệp vươn tới các giá trị bền vững. Và đó là lý do Alphanam đã đăng ký để tham gia đánh giá Bình đẳng giới EDGE vào năm 2021".
Khi được hỏi về việc sẽ làm gì để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, Ngọc Mỹ chia sẻ rằng: “Với VBCWE, tôi muốn kể một câu chuyện khác về phái nữ để những người phụ nữ Việt Nam sẽ tự tin khẳng định được mình, để Việt Nam phát triển bền vững hơn, Doanh nghiệp Việt Nam được xứng tầm quốc tế".
"Bảo bối" cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhiều nữ doanh nhân cho rằng lãnh đạo nữ nên tìm được chính mình, không phụ thuộc vào giới, không để những rào cản về giới cản bước chúng ta. Khi suy nghĩ làm sao để bản thân trở thành một lãnh đạo tốt. Bởi để phát triển doanh nghiệp bền vững một trong những giải pháp đó là tăng quyền kinh tế cho phụ nữ.
Chiều ngày 19/10, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) đã ký cam kết đồng hành trong các hoạt động của chiến dịch “Careers has no gender – Sự nghiệp không phân biệt giới” nhằm thúc đẩy các giá trị bình đẳng và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cũng chia sẻ rằng doanh nghiệp của mình đã triển khai bình đẳng giới tại nơi làm việc và phát triển Quyền kinh tế của phụ nữ từ lâu, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, tại Deloitte, khi phụ nữ có thai đi khám thai định kỳ thì chồng của người nhân viên nữ đó cũng được nghỉ đưa vợ đi.
Mong muốn nhân rộng điều này, với chiến lược “sự nghiệp không phân biệt giới”, bà Hà Thu Thanh, khẳng định, hệ thống bình đẳng giới ở nơi làm việc sẽ được khuyến khích thực hiện ở khu vực kinh tế tư nhân.
“Trong xu thế phát triển bền vững của các nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp tự thấy giá trị phát triển bền vững của mình trong kinh doanh có trách nhiệm, không chỉ tạo giá trị kinh tế mà tạo giá trị bền vững cho xã hội. Nó đi từ nhận thức của mỗi con người, từ những hỗ trợ gia tăng quyền năng của lao động nữ, từ việc cho họ có cơ hội như nhau trong tiếp cận các công việc”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.
Đặc biệt, trả lời câu hỏi của DĐDN về việc doanh nghiệp được gì khi đảm bảo thực hiện tăng quyền kinh tế cho phụ nữ? Bà Hà Thu Thanh chia sẻ, thực hiện tăng quyền kinh tế cho phụ nữ đặc biệt trong các doanh nghiệp tư nhân giúp phát triển nhân tài, đồng thời xây dựng tính thu hút nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên trong doanh nghiệp.
Cũng theo Chủ tịch Deloitte Việt Nam, triển khai chiến lược “sự nghiệp không phân biệt giới” còn giúp nâng cao sự đổi mới và hiệu suất làm việc nhóm. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đây sẽ là "bảo bối" cho doanh nghiệp chiếm ưu thế bước ra thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Phụ nữ thông thái nên mua sắm như thế nào trong tháng 10?
06:06, 15/10/2020
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng
05:01, 26/09/2020
Ra mắt “Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp”
04:04, 16/09/2020
Nghỉ việc ở nhà chăm con, người phụ nữ sau đó tạo ra đế chế kinh doanh trị giá hơn 200 triệu USD
05:30, 13/09/2020
Phát động giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ
06:58, 09/09/2020
Trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc
04:00, 20/08/2020