Thắt chặt quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Mặc dù còn những thách thức chủ quan, nhưng mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Điều này thể hiện rõ sau 25 năm thiết lập quan nghệ ngoại giao, hai bên đã đạt được bước tiến vượt bậc.
Tại cuộc điện đàm ngày 22/12 giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tình cảm tốt đẹp Tổng thống Donald Trump đã dành cho Việt Nam trong những năm qua; đồng thời, cảm ơn Tổng thống Donald Trump luôn quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump đánh giá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt là trong những năm gần đây. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, trong đó hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương.
Tổng thống Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực. Ông Donald Trump cũng chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam đang ứng phó thành công với đại dịch COVID-19, hoan nghênh hợp tác giữa hai nước trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 và mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ về tình hình kiểm soát dịch COVID-19 ở Việt Nam, đồng thời chúc mừng Tổng thống Trump về thành công của Chiến dịch Warp Speed, trong đó Hoa Kỳ đã phát triển thành công 2 loại vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.
Có thể khẳng định, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất. Minh chứng rõ nhất trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao: Cụ thể, tháng 8/1995, Mỹ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán. Quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt hơn khi liên tục có những chuyến thăm cấp cao.
Về phía Mỹ, 4 đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam: Bill Clinton (năm 2000), George W. Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump (năm 2017). Việt Nam cũng có các chuyến thăm Mỹ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017)… Các chuyến thăm này đã tăng cường sự hiểu biết, tạo đà cho quan hệ, thông qua các tuyên bố để thiết lập các khuôn khổ mà trong đó quan trọng nhất là quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực giữa hai nước.
Bên cạnh đó, nhiều chính khách nổi tiếng của Mỹ lẫn Việt Nam đều rất coi trọng quan hệ này và đã thực hiện các chuyến thăm hoặc tiến hành tổ chức các hoạt động nhằm thắt chặt quan hệ hai nước. Về phía Việt Nam, tiêu biểu là Đại sứ Lê Văn Bàng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; phía Mỹ, tiêu biểu là Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Thượng nghị sĩ John McCain...
Hoặc trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 1994, khi Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, thương mại 2 chiều mới khoảng 500 triệu USD thì đến nay đã trên 75 tỷ USD, gấp hơn 150 lần. Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ bị thách thức bởi thâm hụt lớn tài khoản vãng lai, tỷ lệ tiết kiệm giảm và mất cân bằng nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Hiện tại, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD. Trong chuyến gặp gỡ 45 doanh nghiệp Mỹ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam (5/2020), ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC), cho biết Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.
Còn trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trong 25 năm qua, chúng ta cũng chứng kiến hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước có những bước phát triển nhanh chóng, đánh dấu bằng việc tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau.
Dẫn lại những số liệu trên để thấy, trong suốt quãng đường dài lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được kết quả thật sự ấn tượng. Để lại đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.
Điều này cũng có nghĩa, dù thời gian tới ông Donald Trump không còn là Tổng thống của Mỹ và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thì chắc chắn nhiệm kỳ tới cũng sẽ xem trọng mối quan hệ với Việt Nam, trước mắt là vì lợi ích của 2 quốc gia, sau nữa là vì chiến lược xoay trục của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã hai lần tới thăm Việt Nam. Lần đầu tiên, ông Trump đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và thăm cấp nhà nước Việt Nam vào tháng 11/2017. Lần gần đây nhất là năm 2019, khi ông Trump dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.
Tại cuộc điện đàm ngày 22/12 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Donald Trump trân trọng nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời chào hỏi thân ái tới người dân Việt Nam. Tổng thống Donald Trump khẳng định rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới. Hơn 97 triệu dân Việt Nam rất hoan nghênh và chào đón ông Donald Trump đến thăm Việt Nam, đồng thời mong muốn mối quan hệ hợp tác Mỹ - Việt luôn đạt sự tích cực thuận theo xu thế hội nhập hòa bình để phát triển.
Liên quan đến việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Trên tinh thần đó, các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi. |
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam - Hoa Kỳ và con đường trở thành đối tác vì lợi ích phát triển
07:20, 07/07/2020
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Thẳng thắn, cân bằng và cùng có lợi
11:00, 20/12/2019
Việt - Mỹ dưới thời Biden (Kỳ II): Linh hoạt thích ứng
05:05, 20/12/2020
Việt - Mỹ dưới thời Biden (Kỳ I): Tinh chỉnh cấu trúc quan hệ ngoại giao
05:00, 13/12/2020
Tương lai nào cho quan hệ Việt - Mỹ?
06:30, 07/12/2020
25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số
16:00, 11/07/2020
25 năm quan hệ Việt - Mỹ Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị
11:00, 09/07/2020