Lao đao vì COVID-19 - doanh nghiệp, người dân cần các chính sách hỗ trợ

VÂN ANH 26/12/2020 19:30

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.

D

Nhiều doanh nghiệp lao đao vì COVID-19.

Doanh nghiệp lao đao

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm trung tuần tháng 9 năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, cũng có 3,3% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các doanh nghiệp này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát, ....

Doanh thu của khu vực doanh nghiệp giảm, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Điều này phản ánh sức chống chọi của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ giảm doanh thu nhiều nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng. Doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm doanh thu ít nhất.

Cùng với đó, năm 2020 là năm chứng kiến số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn nhất. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, cả nước có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.941 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Lũy tiến, trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 44,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Lao động, người nghèo đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề

Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong những tháng qua cũng có những ảnh hưởng không hề nhỏ tới kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, tăng trưởng năm 2020 dự kiến đạt mức 2,5-3%, thấp hơn đáng kể so với mức 7.02% của năm 2019. Số lượng lao động bị ảnh hưởng ở mức cao trong khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc cạn kiệt nguyên liệu đầu vào.

Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%. Lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để cứu giúp doanh nghiệp. từ đó đảm bảo việc làm cho người lao động. Trên thực tế, các giải pháp, chính sách, điển hình như về Thuế quan đã góp phần nâng cao sức khỏe cho doanh nghiệp để chống chọi với cuộc chiến sống – còn và phục hồi dần sau đại dịch. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ về thuế như hoãn hoặc miễn giảm thuế, phí, hoãn đóng BHXH, v.v.

Tuy nhiên, đánh giá tại Hội thảo khoa học “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các DNNVV” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, do còn nhiều bất cập nên việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới doanh nghiệp hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả. Kết quả khảo sát của Vinasme cũng cho thấy, các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ còn ít.

Bên cạnh những hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì Chính phủ cũng không nên bỏ qua những doanh nghiệp lớn bởi trên thực tế, thiệt hại mà những doanh nghiệp này phải chịu là nặng nề hơn, đồng thời họ cũng là những đơn vị đang tạo ra việc làm cho một số lượng lớn người lao động.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng. Bởi thông qua nguồn vốn đó có thể giúp doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, nước ta cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế

    13:40, 25/12/2020

  • Châu Á đã sẵn sàng "phục hồi" sau đại dịch COVID-19?

    06:15, 25/12/2020

  • Vui chơi đừng “quên” COVID-19

    01:36, 25/12/2020

  • Thế giới đang phản ứng ra sao với vắc xin ngừa COVID-19?

    05:12, 24/12/2020

  • Chuyện kiều bào muốn chi tiền “khủng” về Việt Nam tránh dịch COVID-19

    06:30, 23/12/2020

  • Tinh thần Việt Nam nhìn từ việc tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19

    05:00, 22/12/2020

VÂN ANH