“Thế cuộc” hậu COVID-19
Năm 2020 tiếp tục chứng kiến đà suy thoái toàn diện của phương Tây, trong đó dịch bệnh COVID-19 như một thử thách lớn cuối cùng về vai trò, vị thế của các cường quốc phía Tây bán cầu.
Trong năm 2021, đại dịch vẫn là một thách thức lớn, xu hướng toàn cầu hóa sẽ quay trở lại dưới thời Biden, vị thế của Trung Quốc có thể được củng cố, trong khi phương Tây có nguy cơ suy yếu hơn…
365 ngày căng thẳng
Đại dịch COVID-19 đã lan khắp toàn cầu, đến thời điểm cuối năm 2020 thế giới đã có hơn 80 triệu người mắc bệnh và hơn 1,7 triệu người tử vong. Nhưng đó chưa phải là tất cả, đại dịch này đã làm ngưng trệ tất cả mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trên phạm vi toàn cầu, kể cả cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã bất đắc dĩ “hạ nhiệt”.
Khi các nền, khối kinh tế lớn “thấm đòn” COVID-19, làn sóng suy thoái kinh tế bắt đầu lộ diện. Điển hình như kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng; Anh chứng kiến mức suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều năm qua; Châu Âu đối mặt suy thoái kép…
Ảnh hưởng của dịch bệnh còn trầm trọng hơn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Mỹ và các đồng minh đề xuất “thuyết âm mưu” chĩa về phía Trung Quốc, khiến cho mối quan hệ giữa các cường quốc rơi vào mâu thuẫn mới.
Dịch bệnh cộng với chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Trump càng khiến cho thế giới thêm phân mảnh. Đã có những xung đột riêng rẽ về mặt lãnh thổ, thương mại giữa Trung- Úc, Trung- Ấn, Mỹ - EU, Nhật Bản - Hàn Quốc.
Viễn cảnh đầy thách thức
Châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc… đang cho thấy khả năng xử lý rất tốt cuộc khủng hoảng COVID-19, các quốc gia này là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như ổn định kết cấu xã hội khi dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt sau 8 năm âm thầm kiên trì, Hiệp định RCEP đã được ký kết tại Hà Nội. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ là động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Điều này đồng nghĩa với con đường trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh khó khăn hơn.
Mặc dù hàng chục dự án vắc xin COVID-19 đang tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, nhưng nhân loại chưa thể kiểm soát được loại bệnh này trong vòng một vài năm tới do yêu cầu cấp bách phục hồi kinh tế, tính chất biến chủng và lây lan khó lường của dịch bệnh. Không loại trừ khả năng bùng nổ cuộc chiến vắc xin giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga và Châu Âu.
Năm 2021 là năm đầu tiên thế giới hồi hộp ngóng chờ ông Joe Biden thi triển các chính sách đối ngoại. Theo đó, Nhà trắng có thể làm “lành lặn” mối quan hệ với các tổ chức đa phương, nối lại một phần chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, vai trò, vị thế của Trung Quốc có thể lại trở về như cũ.
Tất cả những điều này đang cho thấy sự suy yếu của phương Tây - họ bối rối trước dịch bệnh, chậm chạp trong các phương án phục hồi kinh tế, khó tìm kiếm tiếng nói đối với những vấn đề cần sự đoàn kết, sẻ chia.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp “lao đao”, tỷ lệ thất nghiệp ở Đà Nẵng tăng mạnh do COVID-19
01:59, 30/12/2020
Dịch COVID-19 phủ gam màu tối lên kinh tế Đà Nẵng
11:12, 29/12/2020
Hậu COVID-19 và bài toán phục hồi ngân sách
09:49, 29/12/2020
“Tác dụng phụ” của vaccine COVID-19
06:25, 29/12/2020
Biến thể virus Corona mới đang đe dọa nỗ lực chống COVID-19 toàn cầu?
05:00, 28/12/2020
Lao đao vì COVID-19 - doanh nghiệp, người dân cần các chính sách hỗ trợ
19:30, 26/12/2020
COVID-19 tạo "bước nhảy" dài cho chuyển đổi số trong y tế
13:40, 25/12/2020