Kỳ vọng thành phố mới Thủ Đức

THANH BÌNH 06/01/2021 11:00

Một trong những vấn đề quan tâm nhất khi thành lập TP Thủ Đức là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức.

THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC TRỰC THUỘC TP.HCM GỒM QUẬN 2, 9 VÀ THỦ ĐỨC

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP HCM gồm quận 2, 9 và Thủ Đức.

Mới đây, TP.HCM chính thức công bố thành lập TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của nước ta, ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức).

Với diện tích 211,56 km2, dân số của Thủ Đức là hơn 1 triệu người, dự kiến tăng lên 1,5 triệu người vào năm 2030, 3 triệu người vào năm 2060.

TP dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRNP) của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); cần 41.660 tỷ đồng để đầu tư nghiên cứu quy hoạch, hạ tầng giao thông, chống ngập, chuyển đổi số trong 5 năm tới.

Theo đó, TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TP và là khu vực dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.

Nền tảng, tạo tiền đề để Thủ Đức phát triển đó là nơi đây có khu đô thị mới Thủ Thiêm: Phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số của TP.HCM; Khu đô thị mới Tam Đa: Phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học.

Khu đô thị Trường Thọ: Xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng; quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí; công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái. 

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc: Phát triển thành trung tâm thể thao, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan; Khu công nghệ cao: Phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao; Và Khu ĐHQG TP.HCM: Phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp…v..v.

6 khu chức năng quan trọng tại Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM – Thành phố Thủ Đức.

6 khu chức năng quan trọng tại Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM – Thành phố Thủ Đức.

“TP.HCM muốn xây dựng chính quyền đô thị và hướng tới đô thị thông minh thì phải ứng dụng công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính mang lại sự hài lòng cho người dân. Thành phố thông minh đồng hành với nền hành chính hiện đại, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi mối quan hệ giữa công chức và công dân, giải quyết công việc nhanh hơn” - ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính nhận định.

Nói cách khác, muốn phát triển bền vững thì phải giải quyết được các vấn nạn như ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe… mà TP.HCM đang phải đối mặt hiện nay. Trong đó, một trong những vấn đề quan tâm nhất khi thành lập TP Thủ Đức là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức.

Theo số liệu, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của ba quận hiện có 981 người, hợp đồng lao động là 149 người. Việc chọn lựa, cất nhắc cán bộ giữ nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý Thủ Đức tới đây cần xem xét cẩn trọng, dân chủ bàn bạc trong tập thể, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Để Thủ Đức phát triển, điều kiện tiên quyết: TP có bộ máy liêm chính nhất.

Nói như vậy, câu chuyện thái độ cán bộ, công chức phiền nhiễu người dân là câu chuyện muôn thuở, nhưng không thay đổi nhiều do các biện pháp xử lý phổ biến vẫn là động viên, khích lệ, kêu gọi. Hệ quả không mong muốn là nhều cán bộ công chức bị “nhờn” luật, tự cho mình có quyền “ngồi xổm trên pháp luật”.

Hẳn chúng ta còn nhớ và chưa quên bài học đau xót từ Thủ Thiêm, quản lý và sử dụng đất công vẫn còn đó, một số quan chức của TP.HCM đang đếm thời gian trong trại giam; Có người tội chồng tội, chờ ngày đứng ở khu vực dành cho bị cáo nhận án phạt của công lý.

Với một khu đô thị hình thành trên địa bàn phần lớn là đất nông nghiệp thì điểm mấu chốt, cần quan tâm đầu tiên chính là lợi ích của người dân nơi đây. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói: “Người dân trên địa bàn này phải là người được hưởng lợi trước hết. Khi đó, họ nhất định sẽ đồng thuận, ủng hộ chủ trương”.

Điều này cũng có nghĩa, cán bộ cần phải nêu gương, chức vụ gắn với trách nhiệm, chức càng cao thì bổng lộc lớn nên trách nhiệm cũng phải lớn. Xây dựng cơ chế rõ ràng, quy định quyền hạn chặt chẽ, chi tiết, minh bạch. Phải công khai để dân biết, dân giám sát một cách chặt chẽ, phải dân chủ trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh số hóa hệ thống quản lý.. như thế cán bộ sẽ liêm chính.

Có thể nói, mô hình “TP thuộc TP trực thuộc Trung ương” là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng cơ sở pháp lý đã được đảm bảo. Tất cả đang chờ đợi, kỳ vọng về một thành phố mới, con người mới và những tư duy mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Thành phố Thủ Đức: Tâm điểm thị trường bất động sản 2021

    05:00, 05/01/2021

  • Sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét những chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức

    13:00, 31/12/2020

  • TP.HCM: Công bố Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức

    12:00, 31/12/2020

  • Nguy cơ quá tải hạ tầng ở TP Thủ Đức?

    05:00, 31/12/2020

  • TP.HCM: Xây dựng TP. Thủ Đức trong 5 năm đầu cần hơn 41.000 tỷ đồng

    01:00, 26/12/2020

  • Lo ngại "sốt đất" ăn theo Thành phố Thủ Đức

    15:00, 16/12/2020

  • Công nhận kết quả rà soát TP Thủ Đức là đô thị loại I

    09:00, 13/11/2020

  • Giãn dân từ “tâm” Thủ Đức

    05:00, 31/10/2020

THANH BÌNH