Không có "hoàng hôn nhiệm kỳ" trong Chính phủ
"Thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ không còn nhiều nhưng Thủ tướng khẳng định không có tâm lý 'chợ chiều' hay 'hoàng hôn nhiệm kỳ'", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ cùng ngày diễn ra trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự.
Về tình hình kinh tế xã hội, Người phát ngôn Chính phủ nêu rõ kết quả đã đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu đề ra trong năm 2020. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô nền kinh tế có kết quả tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, vận hành tích cực hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Chuyển lời cảm ơn của Thủ tướng vì những đóng góp, cống hiến của các thành viên Chính phủ, cán bộ công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước trong cả nhiệm kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ không còn nhiều nhưng Thủ tướng khẳng định không có tâm lý ‘chợ chiều” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”, sẽ quyết tâm làm việc đến ngày cuối cùng”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ cùng ngày đã thống nhất đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2021. Dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thách thức, các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đã nỗ lực trong việc xử lý, thể hiện trách nhiệm cao đối với việc ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Nhấn mạnh đây là đợt bùng phát thứ 3 và cũng là đợt mạnh nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam, song theo ông Dũng, dịch bệnh đã được kiểm soát. 0h đêm nay (3/3), Hải Dương tiếp tục nới lỏng hơn các biện pháp cách ly xã hội để chống dịch. Tỉnh này còn 2 điểm nóng dịch bệnh còn phải bám sát để dập dịch.
Trước đó, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội có bước chuyển biến tích cực.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
Có thể bạn quan tâm
"Xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ, phải có môi trường tốt để thu hút"
14:26, 02/03/2021
Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trong tuần này
14:52, 02/03/2021