COVID 19 và bài học về công tác tuyên truyền
Quá trình chống Covid-19 mang lại những bài học to lớn cho công tác tuyên truyền, có thể áp dụng vào rất nhiều chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Sức mạnh của truyền thông nhìn từ kinh nghiệm chống dịch Covid-19
Theo trang mạng worldometer.info, tính đến sáng ngày 26/3/2021, thế giới đã vượt 126 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 3 quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Mỹ tiếp tục có số ca mắc mới cao nhất và nhiều quốc gia tiếp tục có ca mắc mới cao kỷ lục.
Giữa diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam cũng đã trải qua 3 đợt bùng nổ lớn của làn sóng Covid-19. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt nhờ chiến lược khoanh vùng và truy vết quyết liệt.
Đóng góp to lớn cho thành công trên chính là sự hiệu quả của công tác tuyên truyền trong tất cả các lĩnh vực cùng sự phối hợp đồng bộ của toàn dân và Chính phủ.
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố diễn ra vào tháng 3/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ ra bài học minh bạch về thông tin truyền thông, nhấn mạnh sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các lực lượng truyền thông tham gia chống dịch trên mặt trận tuyên truyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch.
“Chúng tôi rất cảm ơn lực lượng truyền thông đã rất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch, có cả những bài hát, câu vè… Chúng ta có 98 triệu dân nhưng các nền tảng xã hội đã gửi 20 tỷ tin nhắn cảnh báo đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch”- GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi chia sẻ trên Thông tấn xã Việt Nam đã đánh giá thành công chống dịch Covid-19 nhờ 3 yếu tố chính. Trong đó có yếu tố quan trọng đó là việc chia sẻ thông tin minh bạch và truyền thông thông điệp rõ ràng về nguy cơ dịch bệnh.
Ứng dụng truyền thông để giải quyết bài toán về sức khỏe cộng đồng
Dông dài để thấy rằng, công tác tuyên truyền đóng một vai trò rất lớn trong việc Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch Covid. Đây cũng là bài học cho Chính phủ, các cơ quan tuyên truyền và cả cộng đồng doanh nghiệp trong việc truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây.
Trên thực tế, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe cộng động, đặc biệt phải kể đến như suy dinh dưỡng, thấp còi, tim mạch, tiểu đường,…
Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng. Cụ thể là, đến năm 2019, có tới 10,3% phụ nữ bị nhẹ cân; 23,9% có tầm vóc thấp bé; 25,5% thiếu máu; 9,8% chị em bị thừa cân hoặc béo phì. Còn đối với trẻ em, Hội nghị công bố báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019 đã nhấn mạnh tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực: 25% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới 30%, trong khi đó ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương chỉ là 8%. Mấy chục năm qua, chiều cao của người Việt mới chỉ cải thiện được vài cm…
Trong khi đó, công tác phòng chống các căn bệnh kể trên theo một số chuyên gia nhận định vẫn còn mang tính tự phát, chưa thống nhất, chưa có sự phối hợp đồng bộ và đang thiếu đi sức mạnh của truyền thông dẫn đến hiệu quả đạt được không cao.
Tại báo cáo về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam, ThS. BS. Trần Khánh Vân, TS. BS. Trần Thúy Nga - Chủ nhiệm đề tài - đã chỉ ra rằng: Qua nghiên cứu ở các nước đang phát triển đã cho thấy tình trạng kinh tế xã hội, nghèo đói, trình độ học vấn thấp của cha mẹ, kiến thức của bà mẹ về dinh dưỡng, thu nhập gia đình, bệnh truyền nhiễm và nhà ở nghèo là yếu tố nguy cơ gây suy dinh dưỡng cho trẻ.
Cũng theo báo cáo của ThS. BS. Trần Khánh Vân, TS. BS. Trần Thúy Nga, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của nhóm trẻ học đường, trong đó tác động chủ yếu phải kể đến là tình trạng kinh tế, khẩu phần ăn cũng như thói quen ăn uống và hoạt động thể lực.
Do vậy, giải quyết tình trạng “Gánh nặng kép dinh dưỡng” đang hiện diện trên nhóm trẻ học đường, nhóm nghiên cứu đề tài đã chỉ ra rằng cần sự phối hợp của toàn thể cộng đồng, không phải là nhiệm vụ của riêng ngành y tế hay giáo dục.
Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cùng vai trò của các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng.
Đưa ra nhiều khuyến nghị, ThS. BS. Trần Khánh Vân và TS. BS. Trần Thúy Nga cũng đề cập đến việc tăng cường truyền thông giáo dục tại các nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý phòng chống thừa cân béo phì trong đó tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà. Giảm thiểu thời gian ngồi màn hình, không xem tivi, chơi game.... quá 2h/24h. Cùng với đó, việc sử dụng mạng xã hội, truyền hình, báo chí và đặc biệt thông qua những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng là những biện pháp truyền thông đã chứng minh được hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19 và hoàn toàn có thể được áp dụng với cả những chiến dịch nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người dân.