Sử dụng thực phẩm, đồ uống có đường hiệu quả và những biện pháp khuyến khích
Trung bình mỗi người Việt Nam đang tiêu thụ hơn 46g đường mỗi ngày. Lâu nay chúng ta thường nói là nhiều, nhưng thực sự có như vậy?
Nguồn thực phẩm cung cấp đường trong thực đơn ăn uống hàng ngày của người Việt khá đa dạng, trong đó phổ biến phải kể đến là tinh bột (gạo, ngũ cốc, ngô, khoai củ,…) trái cây, các loại sữa có đường, kem, bánh kẹo ngọt, nước giải khát,…
Tiến sĩ Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Trên thực tế, việc sử dụng thực phẩm, đồ uống có chứa đường ở mức độ vừa phải mang lại rất nhiều lợi ích như: cung cấp năng lượng, giải khát, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể…
Để sử dụng hiệu quả thực phẩm, đồ uống có đường, đại diện Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị: Các quốc gia cần truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để sử dụng thực phẩm, đồ uống có đường ở mức vừa phải; khuyến khích các nhà sản xuất tham gia thực hiện dán nhãn nhận biết các sản phẩm có lợi cho sức khỏe để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm yêu thích với số lượng phù hợp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra tiêu chí dinh dưỡng Nutrient Profiling (NP) là cách phân loại thực phẩm dựa trên thành phần dinh dưỡng với mục tiêu phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Bộ tiêu chí này yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm thành phần muối, tổng đường, chất béo..., ghi rõ chiếm bao nhiêu phần trăm nhu cầu hàng ngày và mức có trong sản phẩm ở ngưỡng thấp hay cao để giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần sản phẩm và có tính toán bữa ăn hợp lý.
Nhiều nước trong khu vực Châu Á như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông đã áp dụng quy chuẩn này với các sản phẩm hàng hoá là thực phẩm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định này hoặc bất cứ quy định nào tương tự vẫn chưa được áp dụng. Các quy định hiện tại chỉ yêu cầu doanh nghiệp ghi tên sản phẩm, xuất xứ sản phẩm, hạn dùng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm thực phẩm trên nhãn có ghi thành phần nhưng không ghi rõ hàm lượng, tỷ lệ; không thể hiện năng lượng khẩu phần cung cấp, khiến người dùng khó đánh giá được mức đáp ứng so với nhu cầu, do đó có thể sử dụng nhiều hơn mức cần thiết
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, người tiêu dùng không nên nghĩ cứ là sản phẩm không đường, sản phẩm hoàn toàn tự nhiên thì tiêu thụ bao nhiêu cũng được. “Bất cứ một sản phẩm nào cũng cần sử dụng có chừng mực, phù hợp với nhu cầu từng người, và từng loại bệnh khác nhau”.
Ở góc độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội từng chia sẻ, tiêu chí để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đồ uống hiện nay, không chỉ dừng ở vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là nguồn nguyên liệu chiết xuất đồ uống và đảm bảo cho sức khỏe.