GÓC NHÌN CUỐI TUẦN: Thách thức tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đã khiến mục tiêu tăng trưởng gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.
Từ đầu năm 2021, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và tình hình kinh tế-xã hội có những bước phục hồi khả quan. Trong đó, chúng ta liên tục có chính sách cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Đồng thời, đời sống nhân dân cũng được quan tâm nên mọi hoạt động sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới” đều được triển khai hết công suất.
Từ những tín hiệu khả quan đó, Quốc hội và Chính phủ đã đồng loạt đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước trong năm 2021 đồng loạt là 6.0% và 6.5%. Những con số tăng trưởng ấy sẽ là khả thi nếu dịch COVID-19 không bùng phát lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Tính đến nay, hơn 30 địa phương đã ghi nhận các ca nhiễm bệnh, các trường hợp lây nhiễm mới liên tục được phát hiện tại các địa phương có nền kinh tế công nghiệp ổn định. Đợt bùng phát dịch lần này phức tạp và có khả năng kéo dài, do đó việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng lại gặp nhiều thách thức.
Bởi ngành mũi nhọn dịch vụ - du lịch đã “đứng bánh” từ lâu, do đó các ngành khác cần phải “khỏe mạnh” để đảm nhận trách nhiệm. Vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế chính là bài toán khó với doanh nghiệp sau khi sức đề kháng đã bị giảm sút.
Do đó, để đạt được những chỉ số tăng trưởng như kỳ vọng cần thêm nhiều hơn nữa những sự thay đổi “từ trên xuống dưới”. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Từ những chính sách mới, những phương gián giúp đỡ doanh nghiệp cần được triển khai kịp thời, có hiệu quả và minh bạch. Trọng tâm là giảm thuế, gia hạn đóng tiền thuê đất,... cũng như chống dịch tại chỗ trong doanh nghiệp.
Điển hình như năm 2020, từ viêc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ngành Thuế đã gia hạn hơn 67.200 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất cho 184.900 người nộp thuế. Ngoài ra, còn gia hạn 20.012 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước. Cùng với đó là miễn, giảm 30.200 tỷ đồng cho trên 6 triệu người nộp thuế và giảm khoảng 1.000 tỷ đồng phí, lệ phí.
Do đó, trong năm 2021 này, việc hỗ trợ cũng cần phải được triển khai quyết liệt và có hiệu quả như trước đó, để doanh nghiệp cảm thấy sự quan tâm kịp thời, đúng đắn của Chính phủ chính là động lực để tiếp tục phát triển.
Như Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã nhận định: “Chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.”
Đặc biệt, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chỉ được xem là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và rõ ràng, công bằng. Cùng với đó, các phương án cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong tương lai cũng phải được thực hiện song hành để doanh nghiệp tìm được hướng phát triển mới.
Về lâu dài, cần có giải pháp tăng cường đầu tư công, thúc đẩy các công trình hạ tầng sớm hoàn thiện. Việc thực hiện các gói kích cầu trong thời gian tới cũng hết sức để doanh nghiệp có cơ sở để đặt niềm tin vào việc phục hồi. Thông qua nhưng chính sách hỗ trợ, Chính phủ có thể yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, sớm đưa vào sử dụng các dự án đầu tư công, hòa vào công cuộc khôi phục kinh tế hậu COVID-19.
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể sẽ phá sản trên diện rộng, đó là điều không ai mong muốn. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của xã hội, do đó các chính sách đưa ra trong bối cảnh này quyết liệt nhưng phải thận trọng, nhanh chóng nhưng phải minh bạch.
Để từ đó không phát sinh lạm phát, tiêu cực, các doanh nghiệp tăng sức đề kháng một cách lành mạnh. Có như thế, mục tiêu phát triển của đất nước mới có thể hoàn thiện đúng theo chỉ tiêu được đề ra. Kỳ vọng của nhân dân, của Quốc hội, Chính phủ sẽ có quả ngọt nếu doanh nghiệp vượt qua được thách thức lần này.
Có thể bạn quan tâm
GDP các quý tới được điều chỉnh ra sao?
09:52, 01/04/2021
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% nhìn từ GDP quý 1
04:00, 31/03/2021
Quý đầu tiên năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 4,48% nhờ FDI
10:04, 29/03/2021
Các tổ chức quốc tế nâng dự báo GDP toàn cầu
04:00, 19/03/2021
Dự báo 3 mô hình tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam
12:00, 19/01/2021
GDP của Đông Nam Á dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,2% vào năm 2021
04:30, 10/01/2021