Tranh cãi xoay quanh Dự thảo của Bộ Y tế về tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh
Dự thảo tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh với một số nhóm thực phẩm chế biến do Bộ Y tế xây dựng chưa nhận được sự đồng thuận từ đại diện các nhà sản xuất do một số quy định được cho là không phù hợp.
Quy định không bắt buộc
Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo “Quyết định Phê duyệt Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm chế biến”.
Theo dự thảo, bộ tiêu chí này áp dụng đối với một số nhóm sản phẩm thực phẩm được chế biến công nghiệp, bao gói sẵn sử dụng trực tiếp, áp dụng với 5 nhóm thực phẩm gồm: các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (với tiêu chí dinh dưỡng chính là: năng lượng, chất béo, chất béo bão hòa, muối, đường toàn phần, chất xơ tùy theo loại sản phẩm); thịt chế biến (tiêu chí dinh dưỡng chính là chất béo, muối, đường toàn phần); nhóm thực phẩm cá và hải sản chế biến (tiêu chí dinh dưỡng chính là chất béo, muối, đường toàn phần); sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (tiêu chí dinh dưỡng chính: chất béo, đường toàn phần, canxi, probiotic); và nhóm đồ uống (với tiêu chí dinh dưỡng chính chất béo, natri, đường toàn phần, chất đạm).
Theo quan điểm của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh là khuyến cáo của cơ quan quản lý và chỉ giới hạn cho một số loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn. Đây không phải quy định bắt buộc và nhằm mục đích phòng tránh bệnh không lây nhiễm, không nhằm tác động tiêu cực vào công nghiệp sản xuất thực phẩm.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho rằng “Tiêu chí nhằm định hướng nhà sản xuất có lộ trình cải tiến sản phẩm, giảm mức độ gây hại cho sức khỏe đến tối thiểu từ đó phòng tránh bệnh không lây nhiễm; không nhằm tác động tiêu cực vào công nghiệp sản xuất thực phẩm”
Tuy nhiên, tại buổi hội thảo lấy ý kiến dự thảo trên được tổ chức chiều ngày 15.12 vừa qua, tại Hà Nội, một số ý kiến đã không đồng tình và chỉ ra các điểm chưa hợp lý tại dự thảo. Để Tiêu chí có thể tác động tích cực, hợp lý đến công nghiệp sản xuất và thói quen tiêu dùng thì Bộ Y tế cần xem xét lại dự thảo một cách toàn diện.
Đầu tiên, các chuyên gia y tế, dinh dưỡng đề nghị Bộ Y tế cần xem xét lại tên của dự thảo, các khái niệm trong dự thảo và điều chỉnh các chỉ tiêu cho từng nhóm thực phẩm sao cho dễ hiểu, hợp lý và thống nhất.
Ngoài ra, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định của các tổ chức y tế uy tín trên thế giới để làm căn cứ xây dựng; tham chiếu luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị 46/CT-TTg năm 2017 về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
Cụ thể hơn, đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho rằng, do bộ tiêu chí nêu trong dự thảo có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành thực phẩm đồ uống. USABC đề xuất cần thêm thời gian tham vấn đầy đủ các bộ, ngành hữu quan do thực phẩm, đồ uống được quản lý bởi nhiều bộ khác nhau trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học - Công nghệ.
Theo đại diện đại diện USABC:“Bộ Y tế nên ban hành khuyến cáo về so sánh dinh dưỡng, dựa theo khuyến cáo/khuyến nghị của CODEX Quốc tế, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và phù hợp với quốc tế”.
Đại diện USABC cũng đề nghị ban soạn thảo:“Trong quá trình dự thảo tiến tới hoàn thiện bộ tiêu chí hay bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào cần được tham vấn ý kiến kỹ lưỡng từ các chuyên gia, người tiêu dùng và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống”.
Các tiêu chí phân loại có thể gây hiểu lầm
Là người nhiều năm từng đứng đầu cơ quan thanh tra và Cục ATTP (Bộ Y tế), TS Trần Quang Trung, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng: “Nếu chỉ đề cập đến một số loại thực phẩm nhất định trong tiêu chí này mà không bao quát hết được các loại thực phẩm thì sẽ gây sự phân biệt, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp”.
“Nếu hướng đến việc phân loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, đề nghị xem xét việc xây dựng hẳn thông tư mới dựa trên nội dung của TT 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT; không ban hành tiêu chí này”, ông Trung kiến nghị.
Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) nêu rõ, hiện không có khái niệm về “dinh dưỡng lành mạnh” mà chỉ có khái niệm “chế độ ăn lành mạnh - Healthy Diet” của UN Food System summit. Cần cẩn trọng khi đưa ra một khái niệm mới mà cả trong nước và quốc tế đều chưa có.
Theo đại diện Amcham: “Việc phân loại “thực phẩm lành mạnh” hay “không lành mạnh” có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng dẫn đến việc tiêu thụ không hợp lý các loại thực phẩm này. Nên thay tên thành “khuyến cáo” thay vì “tiêu chí” để thể hiện tính chất không bắt buộc”.
Còn theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, nhiều tiêu chí trong dự thảo Quyết định không phù hợp và bất khả thi. Ví dụ, Dự thảo quy định với sữa, hàm lượng canxi phải ≥130mg/100ml, nhưng trện thực tế, hàm lượng canxi trung bình trong sữa tươi là từ 90-120mg/100ml và dao động nhiều theo mùa vụ. Do đó, với tiêu chí này, sữa tươi sẽ bị coi là thực phẩm không lành mạnh, ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là cần tăng cường sữa trong chế độ ăn của người Việt
Theo phản hồi của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại hội thảo, hiện, tỷ lệ béo phì ở VN trên 20% nên cần đến biện pháp can thiệp cộng đồng. Nếu chỉ truyền thông đơn thuần thì không đủ vì thực phẩm không tốt cho sức khỏe tràn lan trong khi người tiêu dùng chưa nhận thức tốt về chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bộ tiêu chí này là tiền đề để hướng đến xây dựng quy định về dán nhãn, logo phân loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị: “Không nên ban hành bộ tiêu chí, đặc biệt là thời điểm này khi doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Việc ban hành bộ tiêu chí tuy là không bắt buộc áp dụng đối với DN tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của người tiêu dùng, gây tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh sản xuất của DN”.
Trước ý kiến của đại diện Bộ Y tế cho rằng bộ tiêu chí ra đời nhằm mục đích vì sức khoẻ cộng đồng, đưa ra các khuyến cáo về dinh dưỡng để khắc phục tình trạng béo phì đang tăng hiện tại, đại diện của VBA cũng nhấn mạnh: “Các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau của tình trạng thừa cân, béo phì, trong đó hai nguyên nhân chính là chế độ ăn, uống không hợp lý và lối sống thiếu vận động, thiếu hoạt động thể chất,. Vì vậy, việc đưa ra “tiêu chí dinh dưỡng” cho một số loại thực phẩm chế biến không những không giúp giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì mà gây ra cách hiểu sai lầm về dinh dưỡng, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn những sản phẩm được coi là đáp ứng tiêu chí dinh dưỡng này”.
Chúng tôi đề nghị có nghiên cứu cơ sở khoa học trước khi đưa ra chỉ tiêu và tham vấn thêm ý kiến của DN để có mức tiêu chí phù hợp với VN và hài hóa lợi ích của các bên. Bộ Y tế cần đánh giá kỹ tác động của tiêu chí dinh dưỡng này không chỉ đối sức khỏe người tiêu dùng mà còn đối với cả doanh nghiệp và xã hội. Nếu có các tác động kép thì cần phải điều chỉnh để tránh gây hệ luỵ đối với sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành thực phẩm. (Ý kiến đại diện Bộ Công Thương tại hội thảo chiều ngày 15.12) |