Hoàng Thành Thăng Long có tầm quan trọng đặc biệt với dân tộc Việt Nam
Theo chuyên gia khảo cổ học Bùi Vinh, Hoàng Thành Thăng Long có tầm quan trọng đặc biệt đối với các triều đại của Việt Nam.
Đây là kinh đô của Đại Việt, trải qua các giai đoạn từ thời Lý, Trần, Lê, sau khi đến thời nhà Nguyễn thì mới chuyển vào trong Huế. Vì vậy, đứng về mặt vị trí của kinh đô của nước Đại Việt, thì đây là phần lớn và trọng tâm nhất, vì trải qua 3 thời đại từ thế kỷ 11 đến hết thời Lê.
Do đó, kinh đô Đại Việt gắn liền với tâm linh của người dân nước Việt. Qua các tài liệu khảo cổ được khai quật từ những ngày đầu tiên cho đến thời điểm này, đã liên tục tiến hành khai quật và phát hiện được rất nhiều các di tích, hiện vật kiến trúc như: cung điện, lầu gác, công trình mương thoát nước, sân điện…
Các di tích kiến trúc phát hiện được gồm sàn gạch, sân gạch, nền móng, các vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, các cấu kiện kiến trúc trang trí nghệ thuật của các cung điện, lầu gác… trong Hoàng Thành Thăng Long trải qua các thời đại từ thời Lý đến thời Lê.
Những hiện vật đó có giá trị không chỉ cho phép chúng ta nghiên cứu về hệ thống kiến trúc trong Hoàng Thành, mà đặc biệt đây lại là trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long, hay còn gọi là vùng cấm thành.
Bên cạnh các di tích, hiện vật kiến trúc như gạch, ngói, trang trí nghệ thuật rồng, phượng, uyên ương… trải qua các thời đại thì chúng ta còn phát hiện hiện được rất nhiều đồ gốm, sứ, sành kể cả vàng. Những cái đó cho phép chúng ta hình dung đời sống sinh hoạt của Hoàng Thành Thăng Long từ tầng lớp vua chúa, quan lại cho đến bình dân.
Ví dụ, đồ sứ rất đẹp từ thời Lý, Trần có thể cho phép các nhà khảo cổ nghiên cứu về nghệ thuật đắc trưng, bản sắc riêng của đồ sứ cũng như đồ sành và các vật dụng khác trong Hoàng Thành.
Qua khảo cổ đã phát hiện được đồ sứ từ thời Lý, Trần rất đẹp, đặc biệt thời Lê có những loại đồ sứ có thể khẳng định, cho đến thời nay với kỹ thuật hiện đại cũng không thể làm được. Đơn cử, đồ sứ thời kỳ này được làm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật là mỏng như vỏ trứng, mà thuật ngữ thường hay gọi là đồ sứ thấu quang.
“Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt vào thế kỷ 15, cũng từ đây có thể tìm thấy được bản sắc văn hóa riêng, mà tập trung tinh hoa là ở Hoàng Thành”, chuyên gia khảo cổ học Bùi Vinh chia sẻ.
Thời kỳ này, ngay tại Hoàng Thành có đã những xưởng gốm sứ, gạch, ngói tại khu vực này, như vậy trong Hoàng Thành đã tập trung những gì tinh hoa nhất của văn hóa Đại Việt từ thời Lý, qua thời Trần đến thời Lê.
“Nếu so sánh với kinh thành Huế, chúng ta thấy rằng Hoàng Thành không những trải qua các thời đại từ Đại Việt lâu đời nhất mà còn là niềm tự hào của các thời đại đã qua. Do đó, Hoàng Thành Thăng Long có tầm quan trọng rất đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Tiến Hải - chuyên viên khu vực Hoàng Thành Thăng Long cho biết thêm, Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là trung tâm trong thời kỳ phong kiến mà còn trải qua thời Pháp thuộc và kéo dài đến ngày nay. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Thành là trung tâm của Bộ Quốc Phòng. Vì vậy, giá trị của di tích khu vực Hoàng Thành Thăng Long liên tục kéo dài qua các thời kỳ, đồng thời vừa có di tích văn hóa, vừa có di tích cách mạng.