Lễ hội Minh thề: Chỉ có trưởng thôn thề không tham nhũng!
“Lễ hội Minh thề làng Hòa Liễu (Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), nhưng vẫn chỉ có trưởng thôn thề không tham nhũng”.
Sáng ngày 14 tháng riêng năm Mậu Tuất (1/3/2018), chính quyền địa phương thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cùng hàng nghìn người dân đã có mặt để long trọng đón nhận lễ hội Minh Thề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng sau hơn chục năm vẫn là sự tái hiện lại hương ước của làng, chỉ có trưởng thôn làm chủ tế thề.
Việc lễ hội Minh Thề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã mở ra cho địa phương nhiều hướng đi mới, tích cực và tiềm năng. Giữ gìn, phát huy thế mạnh này chính là một thách thức với lãnh đạo địa phương và nhân dân.
Phát biểu tại lễ hội, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc. Lễ hội Mình Thề và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể là niềm vinh dự, tự hào và ghi nhận đóng góp của chính quyền và nhân dân huyện Kiến Thụy trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Giá trị tư tưởng của Lễ hội chính là bản sắc văn hóa riêng của thành phố Hải Phòng. Bởi, lễ hội là do chính người dân Hải Phòng sinh ra nó, dựng nên, bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay và trở thành Di sản văn hóa của quốc gia.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1.134 di tích, trong đó, có 482 di tích được xếp hạng các cấp, 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là Di tích Đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Danh lam thắng cảnh Cát Bà, 113 di tích cấp quốc gia, 367 di tích cấp thành phố; có 474 lễ hội với các loại hình và 5 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội chọi Trâu, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Xa Mã, Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê và Lễ hội Minh Thề.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đã dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
Nâng tầm lễ hội Minh Thề thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Bản chất của lễ hội chính là tôn vinh xã hội đồng thuận, bao dung, bác ái, thượng tôn pháp luật. Đây thực sự là một di sản quý báu của thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản để lại cho đời sau, sau 500 năm giá trị đó vẫn còn nguyên vẹn.
Cùng với cụm di tích đền Hòa Liễu, lễ hội Minh Thề có giá trị văn hóa sâu sắc. Lễ hội được tổ chức, trước tiên nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, qua lễ hội họ bày tỏ lòng biết ơn, tấm lòng tri ân đến vị bản thổ Thành hoàng, đến Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản…người đã có công lao với làng xã, xây dựng mở mang chùa làng.
Toàn cảnh lễ hội Minh Thề được sự đón nhận của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương
Lễ hội Minh Thề có giá trị khoa học giáo dục sâu sắc, nội dung hịch văn là bài học giáo dục đức tính con người, từ chức sắc đến nhân dân, từ người già đến thanh niên (trên 18 tuổi) phải sống trong sạch, biết bảo vệ của công, dùng của công vào việc công, không tà tâm phá hoại, trộm cắp
Thông qua lễ hội Minh Thề, hịch văn Minh Thề cũng những di vật như bia đá, luật tục, văn tế…cung cấp nhiều tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội và việc tuân thủ pháp luật, luật tục của người dân địa phương đương thời.
Những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Minh thề góp phần làm phát triển văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lao động sản xuất của địa phương. Di sản văn hóa phi vật thể này tồn tại trong đời sống hiện đại góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về cuộ sống, con người của vùng đất Kiến Thụy nói chung và Hòa Liễu nói riêng. Giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm tính truyền thống địa phương của lễ hội Minh Thề góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân.
Sau khi lễ hội Minh Thề được khôi phục nhân dân rất mong chờ đến ngày hội được chứng kiến các “quan lớn” về thề. Điều đặc biệt ở đây lễ hội Minh Thề diễn ra trùng với lễ hội xin ấn đền Trần (Nam Định). Trong khi lễ hội đền Trần thì các quan chức, doanh nhân và hàng nghìn người đổ xô về để xin ấn thì lễ hội Minh Thề lại “vắng vẻ", chỉ có trưởng thôn đại diện cho làng đứng ra thề.
Chúng ta đứng trong hệ quy chiếu của mình lên các “quan lớn” đều muốn nhìn thấy các quan đứng trước vòng thiêng để thề. Nhưng bản chất của lễ hội Minh Thề không chỉ là lời thề của các quan. Bởi lễ hội muốn đề cao sự thượng tôn pháp luật, bình đẳng, bác ái, chí công vô tư. Từ người già đến thanh niên (trên 18 tuổi) đều sống tôn trọng pháp luật, không lấy của công làm của tư, từ “quan lớn” đến “quan bé” đều vì dân, hướng đến một xã hội tốt đẹp.
Nhưng với quan điểm của các quan thì việc thề trước thần linh không phải là điều bắt buộc và khẳng định về bản chất của mình. Với mỗi một nghề nghiệp, một công việc và đặc biệt là Đảng viên đều có quy định những việc không được làm. Và “các quan” khi đang đương chức thì phải thượng tôn pháp luật và không vi phạm quy định. Việc “các quan” hiện diện tại lễ hội đã là sự ủng hộ cho tính nhân văn của lễ hội.