Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hội nhập

TS. Nguyễn Viết Chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long 09/02/2019 09:00

Văn hóa là con người, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam cũng là hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Về người Việt Nam, chúng tôi muốn có cách nhìn theo triết lý “nhân vô thập toàn”, có nghĩa là có cả tính tích cực và cả những hạn chế mang tính chủng người và hoàn cảnh lịch sử, tự nhiên và xã hội tạo nên.

Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam: 1. Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; 3. Đoàn kết; 4. Cần cù, sáng tạo.

Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam: 1. Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; 3. Đoàn kết; 4. Cần cù, sáng tạo.

“Nhân vô thập toàn”

Trong chiến tranh vệ quốc trước các kẻ thù mạnh hơn cần huy động sức mạnh toàn dân, cần một không khí hào hùng, nâng cao chí khí quyết tâm thắng giặc nên cần phát động nhiều phong trào, và kết quả là các chiến công thần thánh trong chiến tranh của người Việt Nam khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục. Thời ấy ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng” và đã có người nước ngoài chân thành “mong được là người Việt Nam”! Tuy nhiên, nếu nhìn nhận công bằng thì: Người Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt đẹp được cộng đồng thế giới thừa nhận, nhưng cũng có những hạn chế rất dễ nhận biết kể cả đối với bạn bè quốc tế thân thiện. Để đưa ra hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, trước tiên phải hiểu, phải đánh giá khách quan về ưu và nhược của con người Việt Nam.

Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi và hệ giá trị chuẩn mực phổ quát cần có của con người Việt Nam hiện đại.
Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi là hệ giá trị bền vững được trải nghiệm, thử thách và đánh giá thông qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật những biểu hiện của các giá trị chuẩn mực cốt lõi có thể không rõ nét, nổi trội, “nhường chỗ” cho những biểu hiện lệch chuẩn của một số thành viên trong cộng đồng với tần suất tăng “bất thường” làm cho người “hay hoài nghi” cho rằng: chuẩn mực cốt lõi có vẻ không còn đúng với điều kiện của đời sống hiện đại! Mặt khác, các chuẩn mực cốt lõi có tính khái quát cao, thường định tính bằng những phẩm chất cao đẹp của con người, khó định lượng, khó “cân đong, đo đếm” trong cuộc sống thường nhật.

Khảo cứu từ thực tiễn trên, trong bảng giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chúng tôi đưa ra một hệ giá trị thứ hai, không phải là hệ “thứ cấp” mà là hệ giá trị có quan hệ mật thiết với hệ giá trị cốt lõi, chịu sự chi phối của hệ giá trị cốt lõi và sự tác động của các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đương thời. Hệ giá trị ấy chúng tôi gọi là Hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại. Hệ giá trị này không phải thứ “nhất thành, bất biến” mà nó được hình thành từ yêu cầu cuộc sống, có thể điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tiến trình cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam

    Giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam

    21:50, 05/01/2019

  • Con người đang quá ỷ lại vào công nghệ?

    Con người đang quá ỷ lại vào công nghệ?

    05:19, 08/02/2019

  • Tìm kiếm con người toàn diện

    Tìm kiếm con người toàn diện

    05:00, 06/02/2019

Hai hệ giá trị chuẩn mực

Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam là hệ giá trị đã được khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng, các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước với sự đồng thuận cao về các giá trị và cách sắp xếp các giá trị trong bảng hệ giá trị. Cho dù ở mỗi công trình, mỗi văn bản có độ chênh nhất định về cách sắp xếp các giá trị trong hệ, cũng có cả độ chênh về số lượng, tên gọi các giá trị trong hệ giá trị, nhưng nhìn tổng thể với sự kết hợp tương đối ta có một bảng hệ giá trị có thể chấp nhận được, có thể coi là hệ giá trị cốt lõi con người Việt Nam.

Chúng tôi mạnh dạn đưa ra bảng Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam: 1. Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; 3. Đoàn kết; 4. Cần cù, sáng tạo.
Chúng tôi chọn 4 giá trị cốt lõi này bởi trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh giữ nước những giá trị này là nền tảng đảm bảo sự trường tồn dân tộc, là gốc rễ của mọi chiến thắng.

Giá trị thứ nhất không cần phải luận giải nhiều, bởi nó được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Giá trị thứ hai là giá trị được nhiều học giả nêu dưới các ngôn từ khác nhau, nhưng bản chất là thống nhất nhận định giá trị Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý. Học giả Đào Duy Anh nhận định: “biết hy sinh vì đại nghĩa”; GS Trần Văn Giàu: “thương người, vì nghĩa”; GS Nguyễn Hồng Phong: “nhân đạo”.
Giá trị thứ ba là Đoàn kết được khẳng định ở cả 2 Nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, đồng thời cũng được nhiều học giả đưa vào bảng hệ giá trị trong công trình nghiên cứu của mình.

Hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam cần được xem xét, nhận định trong điều kiện “vận động không ngừng” chứ không phải là thứ định hình tĩnh lặng “nhất thành, bất biến”!

Giá trị thứ tư Cần cù, sáng tạo. Về cần cù có lẽ không có nhận định nào xác đáng hơn nhận định của học giả Nguyễn Văn Huyên: “Chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù đến như vậy”. Về sáng tạo có thể có đôi chút khác nhau trong nhận định của các học giả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ giá trị này trong bảng hệ giá trị vì trên thực tế chúng ta phải nhìn nhận sự bộc lộ phẩm chất sáng tạo có phần hơi đặc trưng của người Việt Nam đó là “cái khó ló cái khôn” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)! Sự sáng tạo thường bộc lộ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, có khi trong thế bị dồn vào chân tường. Nếu không sáng tạo sao có thể chiến thắng Pháo đài bay B52 với các vũ khí về lý thuyết là không thể đánh thắng được!

Tuy nhiên, trong thời đại mới, rõ ràng, tất cả các giá trị trong Hệ giá trị cốt lõi đang bị tác động hết sức mạnh mẽ theo chiều tiêu cực của điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với khu vực và quốc tế! Đó là một thực tế không thể không xem xét, đánh giá khi nghiên cứu về Giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại.

Vun đắp giá trị tương lai

Chính vì thế, hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại, trước tiên là để góp phần gìn giữ hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi vốn có của người Việt Nam, đồng thời hướng tới việc hình thành, hoàn thiện hệ giá trị đáp ứng yêu cầu Việt Nam hội nhập!

Hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại gồm: 1.Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên hòa nhịp phát triển cùng các nước trong khu vực và thế giới; 2. Khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, có khả năng thích ứng với cuộc sống hiện đại; 3. Có tinh thần và khả năng hợp tác trong học tập, lao động vì sự phát triển đất nước; 4. Thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực.

Yêu nước trong bảng hệ giá trị này đối với mỗi người còn là sự giác ngộ một cách sâu sắc trách nhiệm công dân đối với quốc gia, dân tộc. Không có hạnh phúc trên đau khổ của người khác! Giàu có bất minh khi đất nước không phát triển là sự sỉ nhục và mất tự do. Chúng tôi không đặt vấn đề vượt nước này hay nước khác mà điều quan trọng là hòa nhịp phát triển cùng khu vực và thế giới, không để “lỗi nhip”, “lạc điệu” trong tiến trình phát triển trên con đường đã chọn.

Giá trị thứ hai, trước tiên phải khỏe về thể chất. Khó có hoài bão lớn lao trong một cơ thể yếu ốm! Thực tế cho thấy khỏe về thể chất là điều cần làm và có thể làm. Khỏe là phẩm chất cần có của người Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng sống của toàn dân. Tuy nhiên, khỏe về thể chất phải đi đôi với lành mạnh về tinh thần. Trạng thái tinh thần lành mạnh là trạng thái tinh thần tích cực, biết chia sẻ tình cảm với cộng đồng, buồn vui đúng lúc, có bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, cân bằng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, không phấn khích lạc quan tếu, cũng không buồn bã bi quan, tự kỷ.

Đặc biệt, con người Việt Nam cần có khả năng thích ứng. Điều kiện về vật chất, tinh thần, điều kiện, môi trường học tập, lao động…và môi trường sống nói chung trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, không có khả năng thích ứng sẽ làm người ta thụ động, không những không góp gì cho tiến bộ xã hội mà còn có thể trở thành gánh nặng của xã hội. Phẩm chất thích ứng là yêu cầu cần có của con người trong xã hội hiện đại. Muốn có nó con người phải học tập, rèn luyện toàn diện: đức, trí, thể, mĩ và đặc biệt phải nuôi dưỡng tinh thần hòa nhập cộng đồng với bản lĩnh và bản chất người Việt Nam thể hiện trong hệ giá trị cốt lõi: Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; cần cù, sáng tạo. Chúng tôi không nhấn mạnh trình độ học vấn cao, chúng tôi đề cao sự thích ứng, “sự biết mình, biết người”, linh hoạt, biết nhận định thời thế để ứng xử theo hướng tích cực.

Giá trị thứ ba là có tinh thần và khả năng hợp tác trong học tập và lao động vì sự phát triển đất nước. Tinh thần và khả năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác là khâu yếu cốt tử của người Việt Nam trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị này là giá trị đang hình thành, giá trị cần có của người Việt Nam hiện đại.
Giá trị thứ tư chính là thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực. Không thượng tôn pháp luật sẽ ngập tràn tham nhũng, lãng phí, xã hội bất an, không thể phát triển bền vững. Mặt khác, có tinh thần thượng tôn pháp luật, người Việt Nam sẽ tự tin hơn khi mở cửa, hội nhập và đỡ thua thiệt khi tham gia vào thị trường quốc tế. Với cá nhân, tự trọng là phẩm chất tốt đẹp. Tự trọng còn là nền tảng để cá nhân hòa hợp với cộng đồng trên cơ sở tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng.

Nói tóm lại, hệ giá trị chuẩn mực phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại phải là hành trang tốt nhất, đảm bảo nhất trong con đường hội nhập và phát triển của Việt Nam.

TS. Nguyễn Viết Chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long