Du lịch Đà Nẵng trong “thế trận” mới
“Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt là 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam”.
Trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp khi nói về dự cảm ngành du lịch trong năm 2019, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS cho biết Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Lý giải điều này, theo đại diện Vitours, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam “đang rất linh hoạt về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm thế mạnh, công tác quy hoạch quy củ do còn dư địa phát triển lớn và hạ tầng giao thông phục vụ du lịch đang hoàn thiện bài bản”.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, năm 2018 đã có khoảng 6,5 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú trên địa bàn, tăng trưởng 21,5% so với năm 2017 (khách quốc tế ước đạt 3,78 triệu lượt).
Trong năm 2019, Sở này cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai 24 đầu việc cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh này cùng bày tỏ quan điểm ngoài vai trò tiên phong của các doanh nghiệp cần có sự tham gia của nhiều sở, ngành; vì du lịch là ngành kinh tế đa ngành nghề, phải xây dựng được chính sách, cơ chế cụ thể, đồng thời địa phương cũng phải chú trọng thay đổi cách thức truyền thông nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến…
Mới đây, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết sẽ tiến hành tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch; xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin kết nối tới các điểm đến; thúc đẩy mở các tuyến đường bay trong nước tại sân bay Chu Lai, tiến tới mở tuyến đường bay quốc tế sau năm 2020.
Trong khi đó, năm 2018 Thừa Thiên Huế đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1.9 triệu lượt). Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm qua hoặc được khởi công triển khai ráo riết để đưa vào vận hành trong năm 2019. Tỉnh này cũng cho thành lập Hội đồng Tư vấn du lịch quy tụ một số nhà quản lý cấp cao, nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành du lịch ở trong nước và quốc tế để tư vấn, đề xuất các chính sách vĩ mô, các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch ngay từ đầu năm 2018. Hội đồng này còn đồng thời phát hiện, thẩm định các vấn đề mà ngành du lịch đang phải đối mặt để đề xuất các giải pháp phù hợp, có tính khả thi nhằm đưa Huế trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Năm 2018 ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng chính thức đưa vào khai thác một số sản phẩm như cụm lăng Vua Gia Long, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật Kỳ Đài kết hợp tái hiện cảnh bắn súng thần công….. Khu vực phố đêm Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu được chỉnh trang, nâng cao chất lượng và đa dạng các hoạt động, dịch vụ để hấp dẫn khách du lịch và cộng đồng địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm trên địa bàn TP Huế.
Địa phương này đang đặc biệt chú trọng nâng chất hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến cả về quy mô và hình thức triển khai; tần suất; kêu gọi được sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp. Tích cực triển khai thỏa thuận hợp tác quảng bá điểm đến với các đầu mối du lịch như Vietnam Airlines, Traveloka, Công ty CP Đường sắt Hà Nội, Bưu điện, VNPT, Công ty Vietravel…
Không chỉ là các địa phương lân cận, các điểm đến mới như Phú Quốc, Hạ Long… cũng đang tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ đối với du lịch Đà Nẵng trong góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Omega Tour (Đà Nẵng).
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Đà Nẵng sẽ đối diện những nguy cơ nào?
05:00, 12/02/2019
Visa cho nhân lực du lịch!
06:00, 03/02/2019
Chính phủ tháo gỡ "nút thắt cổ chai" về hạn chế kết nối hàng không cho du lịch Việt
08:42, 27/01/2019
Đà Nẵng sẽ tổ chức Tọa đàm Mùa xuân lần 2
06:39, 13/02/2019
Giải pháp nào để Đà Nẵng “hiện thực hóa” Nghị quyết 43?
21:00, 31/01/2019
Đà Nẵng trước “ngưỡng cửa” phát triển mới
17:12, 28/01/2019
5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn 2045
04:18, 28/01/2019
Đơn cử, về du lịch tàu biển – một xu hướng du lịch mới ở Việt Nam với rất nhiều tiềm năng với đặc thù mang về số lượng lớn du khách quốc tế, “Hạ Long đã “ăn đứt” TP Đà Nẵng vì có cảng biển du lịch riêng”, trong khi Đà Nẵng vẫn đang vận hành Cảng Tiên Sa theo kiểu song song cảng tàu hàng container cùng cảng du lịch.
Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngọc Anh - Giám đốc Công ty Du lịch Omega Tour (Đà Nẵng) cho biết: Đó là chưa kể các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan… họ đầu tư cho du lịch rất bài bản, phục vụ du khách từ tham quan, ăn chơi đến mua sắm, giải trí, không thiếu thứ gì. Những cái này (các khu vui chơi, giải trí về đêm, trung tâm mua sắm) Đà Nẵng vẫn đang rất thiếu. Những chợ Hàn, chợ Cồn hay các shop… không phải là trung tâm mua sắm, vì du lịch không phải chỉ có nghĩa là tham quan. Đà Nẵng cần thiết phải kêu gọi đầu tư xây dựng từ các tập đoàn lớn để giải quyết những nhu cầu này.
Ngoài ra, theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, hình ảnh về môi trường du lịch Đà Nẵng đang bị đe dọa cả môi trường kinh tế (Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng trốn thuế, chạy nợ diễn ra phổ biến,...), môi trường xã hội (Trật tự an toàn xã hội như cướp của, bảo kê, tai nạn giao thông,...) và môi trường tự nhiên (hình ảnh Sơn Trà bị tàn phá vẫn chưa được xử lý, bãi biển ô nhiễm,...).
Các giải pháp được rất nhiều đại diện doanh nghiệp tại Đà Nẵng đưa ra để ngành du lịch địa phương này có thể gìn giữ thành quả và tiếp tục phát triển tựu chung lại chính là Đà Nẵng cần nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực sự để thu hút đầu tư; đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh…
Theo ông Tùng, nên cần hỗ trợ thực sự để thu hút đầu tư nhất là những dự án lớn trọng điểm và du lịch xanh. Những dự án đầu tư có mức độ xanh nhiều so với mức độ xây dựng nên có chính sách ưu đãi về thuế đất, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp; Kiểm soát tốt về 3 môi trường nói trên để đảm bảo môi trường du lịch Đà Nẵng tốt đẹp; Đồng thời, đầu tư cho hạ tầng giao thông; Có cơ chế nâng cao vai trò quyền hạn của Sở Du Lịch, nhất là những quyền liên quan đến có ý kiến ban đầu của việc cấp phép đầu tư các dự án…