Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời sẽ có buổi hòa nhạc ấn tượng cùng nghệ sỹ violon nổi tiếng Nhật Bản
Đêm 22/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) sẽ cùng với nữ nghệ sỹ độc tấu violon nổi tiếng Nhật Bản, Keiko Urushihara tổ chức đêm hòa nhạc có tên gọi “Vũ điệu Mặt Trời”.
Đây sẽ là buổi hòa nhạc mang đậm sắc màu văn hóa dân gian châu Âu, với những bản nhạc tượng trưng cho tâm hồn của người Armenia, trái tim của người dân Đức, tinh thần của người dân Bohemia cổ đại (Cộng hòa Séc), cũng như tính cách người dân Na Uy. Chương trình còn có sự tham gia của Keiko Urushihara, Nghệ sỹ độc tấu Violon nổi tiếng Nhật Bản.
Đêm “Vũ điệu Mặt trời” sẽ được mở đầu bằng tác phẩm “Giai điệu và Vũ điệu Mặt Trời” của Grigor Arakelian (sinh năm 1963) - nhà soạn nhạc, nhạc trưởng đồng thời là nghệ sỹ viola người Armenia. Quê hương ông - Armenia là nơi mà nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay tới “Vùng đất Mặt Trời” với khí hậu ôn hòa, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những ngọn núi, triền cỏ, vườn cây xanh mướt, những dòng sông và cả những con đường đẹp lãng mạn… Armenia có một kỳ quan độc đáo của thiên nhiên “Bản giao hưởng của đá” bên trong hẻm núi của sông Azat – một vách núi với các cột đá bazan được hình thành tự nhiên sau một đợt phun trào dung nham núi lửa mà nhìn từ xa trông giống như một cây đàn organ lớn. Và Armenia đã khơi nguồn cảm hứng để nhà soạn nhạc tài năng Grigor Arakelian viết lên những bản giao hưởng bất hủ.
Có thể bạn quan tâm
MB connection 2018: “Chuyển - Live concert” – đêm nhạc đẳng cấp tri ân khách hàng của MB
10:34, 05/12/2018
Nhạc sỹ Xuân Bình: MV và đêm nhạc “Tôi người Hải Phòng”
06:00, 27/11/2018
Ấm áp đêm nhạc về mẹ - Đất nước tình yêu
14:00, 23/10/2018
Boney M sẵn sàng bùng nổ trong đêm nhạc huyền thoại tại Nha Trang
11:05, 09/08/2018
Toyota Việt Nam giới thiệu Đêm nhạc cổ điển Toyota 2018
06:50, 02/11/2018
Người Armenia nổi tiếng với tâm hồn ấm áp, nhân ái, thuần khiết như chính cảnh đẹp thiên nhiên nơi này. Bằng tình yêu dành cho quê hương, cho lịch sử, truyền thống thiêng liêng của dân tộc mình, Grigor Arakelian đã đưa âm hưởng thánh ca đầy tôn kính vào phần mở đầu của tác phẩm “Giai điệu và Vũ điệu Mặt Trời”. Từ đó, những giai điệu cứ thế tuôn trào theo dòng cảm xúc, trở thành bản giao hưởng trong trẻo, thuần khiết và say đắm.
Ở phần tiếp theo của buổi hòa nhạc, bản Concerto dành cho violon E minor nổi tiếng mà nhà soạn nhạc người Đức Felix Mendelssohn (1809 – 1847) dành tâm huyết viết tặng nghệ sĩ violon Ferdinand David - một người bạn thân của ông, sẽ cuốn khán giả vào những triền đam mê đầy hào hứng. Tác phẩm này là một trong những bản concerto nổi tiếng, được biểu diễn nhiều nhất mọi thời đại, được coi là một viên ngọc sáng nhất trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin.
Bản nhạc mở đầu bằng tiếng trống rộn rã và tiếng gảy của đại hồ cầm, lôi cuốn với ba chương được chơi liên tiếp, không quãng nghỉ. Nếu xét về mặt kỹ thuật, tác phẩm không được xếp vào thể loại âm nhạc dân gian, song những giai điệu điêu luyện trong chương ba gợi lên những chuyển động và bước nhảy tràn đầy hứng khởi.
Tuyệt phẩm của Felix Mendelssohn cũng là điểm nhấn đặc biệt của đêm hòa nhạc “Vũ điệu Mặt trời”, khi nó được Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời hòa tấu cùng nghệ sỹ độc tấu Violon nổi tiếng Nhật Bản, Keiko Urushihara.
Thành danh từ khi 18 tuổi, Keiko Urushihara theo đuổi sự nghiệp vĩ cầm và liên tiếp đạt nhiều giải thưởng lớn, gặt hái thành công tại Nhật Bản. Đã đi lưu diễn nhiều nơi, tham gia biểu diễn cùng nhiều nhạc trưởng và dàn nhạc xuất sắc trên thế giới, Keiko được đánh giá cao về trình độ biểu diễn cũng như giành được sự mến mộ trong lòng công chúng yêu nhạc, giới chuyên môn và các nhạc trưởng.
Đây không phải lần đầu tiên nữ nghệ sỹ violin Nhật Bản đến Việt Nam. Ở lần trở lại này, cùng với nhạc trưởng Olivier Ochanine lừng danh và những nghệ sỹ của dàn nhạc SSO, chắc chắn, Keiko Urushihara sẽ tiếp tục khiến trái tim khán giả yêu nhạc hàn lâm “loạn nhịp” trước tài nghệ và màn biểu diễn tinh tế của mình.
Rời Armenia, Đức, khán giả sẽ được âm nhạc dẫn dắt tới Cộng hòa Séc, để lắng nghe “Điệu nhảy Slave” lãng mạn của nhà soạn nhạc người Séc Antonin Dvorak (1841 – 1904) - đại diện của dòng nhạc cổ điển lãng mạn thế giới. Tác phẩm ban đầu được viết để chơi trên dương cầm bằng bốn ngón tay, mỗi chương dựa trên một giai điệu và điệu nhảy dân gian đặc sắc của Cộng hòa Séc.
Hành trình du ngoạn với giao hưởng sẽ tiếp tục với “Điệu nhảy Na Uy” của Edvard Grieg (1843 - 1907) - nhà soạn nhạc, thiên tài âm nhạc hiếm có của Na Uy. Edvard Grieg luôn sử dụng và phát triển âm nhạc dân gian của quê hương trong tác phẩm của mình, giúp đưa âm nhạc Na Uy lên bản đồ thế giới. “Điệu nhảy Na Uy” gồm 4 chương tương ứng với 4 “điệu nhảy”, bên cạnh “điệu nhảy” cổ điển đầu tiên trên nền nhạc Scotland, 3 “điệu nhảy” còn lại là các điệu nhảy dân gian xuất phát từ vùng Hallingdal của Na Uy.
Cứ thế, những bản nhạc “nhảy múa” như vũ điệu dân gian, đưa khán giả đi đến tận cùng cảm xúc. Nét văn hóa nghệ thuật dân gian, cảm hứng từ những miền đất xa xôi với những con người nồng hậu, tài năng của các nhà soạn nhạc…., dưới bàn tay, trí tuệ, và cảm xúc của những nghệ sỹ, tất cả sẽ cùng hòa quyện để cống hiến cho công chúng yêu nhạc cổ điển một buổi hòa nhạc ấn tượng ngay đầu năm mới Kỷ Hợi.
Sau chuỗi thành công với hàng loạt buổi hòa nhạc ấn tượng năm 2018 và những buổi biểu diễn tháng 1/2019, “Vũ khúc Mặt Trời” đêm 22/2 tới sẽ lại làm đầy thêm những ấn tượng tốt đẹp về một Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời non trẻ nhưng vững vàng, chắc chắn và đẳng cấp. Để rồi từ đây, những đêm nhạc mới trong năm 2019 của SSO sẽ từng bước chinh phục khán giả yêu âm nhạc hàn lâm trên khắp cả nước, hứa hẹn những mùa diễn thành công mới.