Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhiều, giải ngân ít
Dù đã thực hiện đào tạo nghề nông thôn đạt kế hoạch nhưng các cơ sở đào tạo chỉ mới nhận được 50% kinh phí.
Báo cáo của Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn” được tổ chức trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần 4 diễn ra vào hôm nay, 13/12 ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động nông thôn.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, kết quả đào tạo trong 4 năm (2016-2019) đã hỗ trợ được hơn 1,8 triệu lao động nông thôn học nghề, tức vượt kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020 đến hơn 400.000 lượt lao động.
Còn tính chung của cả giai đoạn 2010-2019, đã đào tạo được gần 3,5 triệu lao động nông thôn ở các trình độ khác nhau. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (cả đào tạo không cấp chứng chỉ) đạt trên 1,5 triệu lao động; đào tạo nghề nông nghiệp có trình độ trung cấp và cao đẳng 305.000 người.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đào tạo theo yêu cầu xã hội, các chương trình, dự án cho hàng nghìn lao động nông nghiệp…
Tuy nhiên, về kinh phí, theo ông Thịnh, nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí chung trong chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương cho cả giai đoạn 5 năm (2016-2020) là 4.200 tỉ đồng. Nhưng thực tế trong 4 năm (2016-2019) chỉ mới được bố trí được 2.300 tỉ đồng, chỉ bằng 54% so với con số được Bộ Tài Chính đưa ra. Điều này, cho thấy việc giải ngân kinh phí phục vụ cho đào tạo nghề nông thôn còn chậm.
Festival lúa gạo Việt Nam lần 4 diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long từ 13-19/12 nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ; lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.