[CẢM XÚC XUÂN] Đầu xuân nói chuyện bức tranh đám cưới chuột
Ý tưởng sâu xa của Đám cưới chuột là chất châm biếm, đả kích sâu cay, lên án, tố cáo tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến thống trị.
Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số người dân Việt Nam, nhắc đến hầu như ai cũng đều biết. Không những vậy, hình ảnh của nó còn đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông. Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian này chính là bức tranh Đám cưới chuột.
Đầu xuân Canh Tý, nói chuyện Đám cưới chuột, có rất nhiều điều để chúng ta lạm bàn vì Đám cưới chuột không chỉ là bức tranh dừng lại ở nghệ thuật giải trí đơn thuần, mà chứa đựng đằng sau bức tranh dân gian dân giã đó có nhiều ý nghĩa mà chưa hẳn mỗi người (nhất là lớp trẻ) đã tận tường được.
Theo đó, bức tranh dân gian Đám cưới chuột đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người Việt. Bức tranh hài hước ở chỗ, làm sao lại có con chuột đi rước dâu, lấy vợ? Người nghệ nhân dân gian dã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa loài chuột để chúng mang dáng dấp con người, cũng biết làm đám cưới, lấy vợ. Châm biếm ở chỗ, chú rể chuột kia muốn đón dâu lại phải mang chim, mang cá cống cho mèo.
Tức là, loài chuột xuất hiện đầy hóm hỉnh trong một đám cưới xưa với cờ, quạt, kèn, trống, ô lọng cùng vô số lễ vật. Gặp lão mèo già hung hãn cản lối, những chú chuột trong đám rước sợ hãi, lấm lét, phải cống nộp lễ vật (chim, cá) cho mèo, thỉnh cầu cho đám cưới bình yên.
Vấn đề ở chỗ, hình ảnh chuột trong bức tranh vô hình trung lại khiến người ta cảm thương, yêu mến chúng – một điều rất hiếm hoi mỗi khi nhắc đến loài vật này với hầu hết những định kiến tiêu cực.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Con đường... doanh nhân!
15:00, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Tết hồi ức...
12:00, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Những cảm giác nôn nao chờ Tết...
09:01, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Chìm đắm vào miền siêu thực cùng Then
11:00, 23/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Tết Bác Hồ làm gì?
03:05, 23/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Quà tết “biến tướng” - cần "trị" tận gốc
15:00, 22/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Năm Tý nói chuyện thịt chuột
11:00, 22/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Thơ: Chú Én tìm mùa Xuân
11:00, 21/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Ghé Nghệ An thưởng thức đặc sản thịt chuột Yên Thành
05:00, 21/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Lại bàn chuyện gộp Tết
11:00, 20/01/2020
Cái tài tình của người xưa thể hiện ở đây là người dân quê Việt Nam xưa sống trong xã hội phong kiến không dám công khai công kích, phản kháng lại bọn quan tham nhũng, ức hiếp dân lành, nên đã mượn bức tranh chuột cưới vợ để gián tiếp lên án bọn quan tham và bày tỏ thái độ của mình.
Nói cách khác, điều mà người xưa muốn mượn hình ảnh chuột để minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Mỉa mai, châm biếm một cách hài hước, sâu cay một tệ nạn xã hội cần lên án và loại bỏ đó là tệ tham ô, nhũng nhiễu mà đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị.
Thực tế hiện nay, tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ không hề giảm, khi mà các báo cáo chỉ số PCI đều chỉ ra hơn 50% doanh nghiệp vẫn phải bỏ chi phí không chính thức. Thậm chí, sự tàn phá của chi phí không chính thức, tham ô, hối lộ có thể phá hỏng từ những dự án công đồ sộ đến thể chế chính sách.
Mặt khác, ý nghĩa của bức tranh Đám cưới chuột còn được xem xét ở những góc độ khác. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Đám cưới chuột phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa của dân tộc: Đám tiệc náo nhiệt, xôm tụ, rình rang nhưng không kém phần thiêng liêng với màu sắc rực rỡ, những ô lọng, kèn, trống, đoàn rước dâu kéo dài... Điều đó làm nổi bật nét văn hóa người Việt xưa khi đám cưới không chỉ là việc riêng của mỗi cá nhân, gia đình mà còn là việc chung của cả cộng đồng, làng xã.
Không dừng lại ở đó, ý nghĩa cộng sinh cũng là một thông điệp mà Đám cưới chuột hướng đến. Nói vậy bởi vì, cả mèo và chuột vốn dĩ là hai loài vật “không đội trời chung” nhưng cuối cùng cũng bước qua “bản thỏa thuận” để sinh sôi giữa hai mặt đối lập mà đích đến cuối cùng là sự cam kết cùng nhau tồn tại và phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh thì hình ảnh chuột mang lễ vật đến dâng tặng cho mèo còn có ý nghĩa: Tôi muốn tồn tại thì anh cũng cần phải tồn tại và tôi hạnh phúc thì anh cũng phải được hưởng niềm vui ấy. Đây như một bản thỏa thuận ngầm về sự sinh sôi giữa hai mặt đối lập, mà ở đó đích đến cuối cùng của nó đều là sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển”.
Có thể nói, hơn bất cứ loài vật nào trên trái đất này, chuột bao đời nay vẫn hiển diện hết sức đông đảo và gần gũi với đời sống con người, hình ảnh chuột đã đi vào kho tàng văn hóa dân gian một cách tự nhiên, sống động như chính bản tính của nó. Con người dù căm ghét nhưng một góc độ nào đó cũng quý chuột, thậm chí thờ chuột, coi chuột như một biểu tượng của sự sung túc, sinh sôi.
Xuân Canh Tý bắt đầu điểm, bức tranh Đám cưới chuột một lần nữa với những hình ảnh con mèo, đàn chuột sinh động, ngộ nghĩnh mang đậm chất dân gian với ngụ ý sâu xa, nhắc nhở con người ta nên sống cho phải đạo, biết đối nhân xử thế, sống nhân hậu, nhân văn nhưng vẫn kiên cường, luôn sẵn sàng, tràn đầy sức chiến đấu.
Chúc mọi người một mùa xuân an lành, hạnh phúc!
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |