[CẢM XÚC XUÂN] Tết về Hải Phòng “no nê” món cuốn Thủy Nguyên
Ngày Tết, khi mà mọi người, mọi nhà đều “phát ngấy” với thừa mứa thịt thà, bánh chưng... thì các món ăn đơn giản, lạ miệng lại làm ta “phát thèm”.
Ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) có món cuốn vừa dân dã và dễ ăn. Người ta thường hay làm món cuốn trong các dịp lễ tết, nhất là mùa đông, khi các lứa hành củ vào mùa. Người nào ăn rồi sẽ đồng ý một điều, Tết mà ăn món cuốn Thủy Nguyên sẽ cảm thấy tất cả các món ăn khác đều ngon theo.
Người dân Thủy Nguyên, không ai biết món đó có nguồn gốc từ đâu. Nhiều người trẻ chúng tôi đã không ít lần “cãi nhau” vì nguồn gốc của nó. Người thì cho rằng nó có nguồn gốc từ xã Kiến Bái, người lại bảo từ xã Thiên Hương, có người lại bảo nó ở đâu xa lắm. Cuối cùng chẳng cần biết nguồn gốc của nó ở đâu, chỉ biết rằng đã từ lâu nay, kể cả khi đã no nê với đủ thứ thịt thà, cá mú... thì trong mâm cỗ của người Thủy Nguyên cũng không thể thiếu món cuốn. Với màu sắc rực rỡ, có vị ngậy của thịt, vị bùi của trứng, giò; vị thanh mát của rau, món cuốn Thủy Nguyên khiến nhiều người ăn một lần nhớ mãi!
Để làm được bữa cuốn ngon, cả nhà rộn ràng cả buổi. Từ khâu đi chợ chọn nguyên liệu, đến việc cuốn, pha mắm chấm là cả sự cầu kỳ. Bởi món ăn này đòi hỏi quá nhiều thức lách cách. Để món cuốn Thủy Nguyên ngon và đạt chuẩn, người chế biến phải chọn đủ 10 loại nguyên liệu: Bún rối, rau mùi, rau xà lách (Hải Phòng gọi là rau diếp), hành củ tươi (cả cây, thật mập nhưng không được già), thịt ba chỉ luộc, trứng, đậu, giò lụa, tôm (tốt nhất là tôm đồng loại nhỏ).
Đầu tiên, bún được cắt nhỏ khoảng 5cm. Hành được rửa sạch sau đó chần qua nước sôi cho tái nhưng vẫn phải đảm bảo được độ dai, ngọt của lá hành. Trứng đánh đều rồi rán mỏng tang, vàng óng. Tôm đồng rửa sạch, cắt bỏ râu và rang cho chín giòn; thịt ba chỉ luộc chín, đậu phụ rán vàng; các loại rau được rửa sạch và để cho ráo nước. Tất cả các nguyên liệu để chế biến món cuốn (trừ rau) đều phải được thái chỉ thật nhỏ và được bày trên một chiếc mâm nhỏ để tiện cho việc cuốn gói.
Để món cuốn đẹp, hấp dẫn thì người cuốn phải thật khéo léo, tỉ mỉ. Lấy một lá rau diếp để làm vỏ cuốn, chọn một ít rau mùi, một ít bún, vài miếng thịt ba chỉ, đậu rán, giò, trứng rán và tôm đặt nằm ngang trên lá dau diếp, sau đó cuốn chặt tay rồi dùng sợi hành đã chần buộc lại. Điều đặc biệt khi cuốn món này đó là khi gói lá rau diếp không được gói kín hết mà phải để lộ được các nguyên liệu ra ngoài.
Sự pha trộn màu sắc của các nguyên liệu màu xanh ra, màu trắng của bún, màu vàng của trứng, màu đỏ của tôm… đã làm nên món cuốn đẹp mắt, xinh xinh như những con chim phượng, khiến nhiều người không nỡ ăn. Nhiều người đùa rằng món cuốn Thủy Nguyên xứng đáng là hoa hậu của các món ăn.
Cuốn nhìn ngon nhưng nếu nước chấm không đạt chuẩn thì cũng sẽ làm giảm chất lượng của món ăn. Nước chấm được pha tùy vào khẩu vị của người thưởng thức, tuy nhiên nước chấm phải được pha từ nước mắm nguyên chất và phải có đủ vị mặn của mắm, độ ngọt của đường, chua của chanh, thơm của tỏi và cay của ớt…
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Mộc Châu những nẻo đường mùa xuân
15:40, 25/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Dạy con cách tiêu tiền lì xì đúng nghĩa
15:00, 25/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Tết này ai còn đi... bán muối ?!
10:00, 25/01/2020
Ăn món cuốn vừa thỏa mãn được cả thị giác lẫn vị giác. Những người ăn lần đầu sẽ xoay chiếc cuốn trước mặt như xoay miếng trầu cô Tấm têm trước khi chấm mắm và đưa lên miệng. Thật khó có thể làm khác đi!. Và khi ăn rồi, người nào ý tứ nhất cũng không muốn ăn dè mà chỉ muốn ăn hết.
Cuốn Thủy Nguyên không chỉ là món ăn trong các dịp lễ tết, giỗ chạp tại địa phương mà còn được dùng trong các buổi liên hoan, cỗ tiệc và đặc biệt còn là “đặc sản” để chiêu đãi những thực khách từ phương xa về với Hải Phòng.