[CẢM XÚC XUÂN] Hòa Bình: Đắm say sắc bùa
Khi những cây mơ, cây mận rừng bung hoa trắng muốt báo hiệu tết đến, xuân về, khắp các bản Mường Hòa Bình lại ngân vang tiếng chiêng sắc bùa.
Không ai biết chiêng sắc bùa có từ bao giờ. Chỉ biết rằng đánh chiêng sắc bùa của người Mường có từ rất lâu đời. Trong áng sử thi Đẻ đất, Đẻ nước của người Mường đã có tiếng chiêng.
Cầu ấm no, hạnh phúc đến bản Mường
Theo người Mường, sắc bùa hay còn gọi là xéc bùa có nghĩa là xách cồng, là một hội vui có tính chất giải trí diễn ra vào dịp đầu năm mới ở những bản Mường để cầu chúc may mắn, hạnh phúc.
Nghệ nhân Đinh Thị Thế (65 tuổi, ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong) cho biết: “Việc diễn tấu cồng, chiêng sắc bùa trong hoạt động đầu xuân không những tạo nên không khí vui vẻ trong những ngày tết, ngày xuân mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm cầu mưa, xua đuổi ma quỷ, cầu yên lành cho dân Mường”.
Đánh chiêng sắc bùa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường. Từ sau ngày mùng 2 tết, phường bùa tiến hành đi sắc bùa các gia đình trong bản. Trang phục của những người đi sắc bùa phải đẹp.
Nam mặc áo dài chít khăn đầu rìu. Nữ đánh chiêng sắc bùa ăn mặc theo trang phục riêng của người Mường, áo pắn (áo ngắn), xẻ ngực, ống tay dài, áo màu trắng hoặc hồng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn vành trắng, váy kín màu đen, đeo vòng tay, kiềng bạc, xích… Đoàn sắc bùa đi theo thứ tự, chiêng boong beng đi trước, rồi đến chiêng đủm, tiếp theo là đến chiêng khô, cuối cùng là đến chiêng đàm.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Con đường... doanh nhân!
15:00, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Tết hồi ức...
12:00, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Những cảm giác nôn nao chờ Tết...
09:01, 24/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Chìm đắm vào miền siêu thực cùng Then
11:00, 23/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Tết Bác Hồ làm gì?
03:05, 23/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Quà tết “biến tướng” - cần "trị" tận gốc
15:00, 22/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Năm Tý nói chuyện thịt chuột
11:00, 22/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Thơ: Chú Én tìm mùa Xuân
11:00, 21/01/2020
[CẢM XÚC XUÂN] Ghé Nghệ An thưởng thức đặc sản thịt chuột Yên Thành
05:00, 21/01/2020
Đoàn sắc bùa đi tới đâu rộn vang tiếng chiêng tới đó. Chiêng vốn là loại nhạc cụ âm nhạc độc đáo, có giá trị cả về vật chất và tinh thần của người Mường. Phường bùa trên đường đi sẽ đánh các bài truyền thống có tên “đi đường” hay “leo dốc”.
Từ xa các gia đình biết phường bùa đang sắp đến nhà mình sẽ chuẩn bị nghênh tiếp, thường là được hẹn trước như lối hẹn của người phúc hậu đến xông nhà đầu năm mới của người Kinh.
Phường bùa thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 cái (chiêng của người Mường thường được xách bằng tay).
Các gia đình tập trung đầy đủ bà con họ hàng ở trong nhà để đón phường bùa. Khi đến nơi, phường bùa đứng ngoài ngõ đánh cổng, hát bài “khóa rác”. Hát xong cổng được mở ra, phường bùa tiến vào sân, vừa đi vừa đánh cồng. Chủ nhà bày rượu cần, có khi cả cỗ để mời phường bùa. Phường bùa đứng chung quanh bình rượu cần hoặc mâm cỗ đánh nhiều bài chiêng như: bài chiêng uống rượu, những bài hát cổ truyền hay sáng tác ngay tại chỗ, các bài hát về mùa xuân, mùa màng tươi tốt, những bài hát chúc tụng, ngợi ca gia đình sang năm mới sức khỏe, hạnh phúc, phát đạt.
Sau khi các bài chúc đã hết, người chủ phường sẽ gợi ý nếu gia chủ là những người giỏi hát dân ca đối đáp thì có thể cất tiếng hát giữ chân phường bùa. Nếu không gia chủ sẽ đem tặng gạo, hay món quà đầu năm cho phường bùa. Sau đó, phường bùa sẽ sang nhà khác tiếp tục hát vui vẻ mang không khí vui tươi và ấm áp của mùa xuân vào từng gia đình.
Sắc bùa và tiếng chiêng giữ lửa
Đối với người Mường, đánh chiêng sắc bùa không đơn thuần là chơi nhạc cụ mà nó trở thành những giá trị không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ.
Nhạc sĩ Huy Tâm (Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Điều đặc biệt trong lối chơi chiêng sắc bùa tại cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình là đa số nghệ nhân là nữ giới, nó mang cái ý thức mẫu hệ từ xa xưa”.
Người Mường quan niệm cái chiêng cũng có hồn. Vì thế mỗi khi sử dụng chiêng, người Mường sẽ bắt đầu bằng tiếng chiêng gọi hồn, để cho hồn chiêng về chính thức hòa nhập với con người. Điều đó mang ý nghĩa tâm linh thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa đời sống con người với tiếng chiêng. Do có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần như vậy nên cồng chiêng được coi như vật thiêng, vật báu trong nhà, được coi là đồ gia bảo truyền từ đời này sang đời khác.
Khi người Mường lo mất đi phường bùa…
Bà Thế không ngần ngại ngân vang những lời hát sắc bùa đầy may mắn: “Chúc cho ông trên đụn/ Bà trên nhà/ Hết năm cũ đã qua/ Bước sang năm mới/ Làm nên ăn, giàu có/ Cơm kho, lọ tiếng/ Con cái vương trưởng/Muốn gì được nấy...”.
“Độc đáo như thế nhưng hiện nay việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và phổ biến dân ca Mường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát triển những làn điện dân ca trên chủ yếu dựa vào truyền miệng. Vì thế, ngày nay hát sắc bùa của người Mường (Hòa Bình) không còn phổ biến nữa, nó chỉ còn xuất hiện tại một vài bản Mường lớn như: Mường Bi, Mường Vang, hay tại các lễ hội truyền thống. Đó thực sự là điều đáng tiếc” - Họa sĩ Hiếu Mường không giấu được sự tiếc nuối.
Bà Thế cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi, chỉ vài năm nữa thôi, khi những linh hồn của phường bùa (là các trùm phường) mất đi, rất có thể tục hát sắc bùa độc đáo, gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng của người Mường sẽ mất đi theo. Thế nên “còn hơi thở ngày nào là chúng tôi không ngừng mang những lời hát sắc bùa mê hoặc lòng người vang lên trong mỗi dịp hội hè, lễ Tết” - bà Thế chia sẻ…
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |