CẢM XÚC XUÂN: Thông điệp gắn kết từ hạt muối

AN CHI 12/02/2021 05:17

Mua muối vào ngày đầu năm, mua vôi vào cuối năm là tập tục từ xa xưa của người Việt nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết về ý nghĩa của nó.

Từ xa xưa cha ông ta đã có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nhằm nói về tập tục trong năm mới. Việc mua muối đầu năm thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết. Vì lẽ đó, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.

Tiếng rao âm vang cả con phố: “Ai mua muối nào!. Chiếc xe đạp nhỏ cũ kỹ với thúng muối nặng trĩu phía sau cùng chị hàng muối luồn lách qua các ngõ phố. Chốc chốc, chị lại dừng xuống khi nghe tiếng ai đó gọi mua muối, rồi nhanh tay xúc một bát muối “có ngọn” thật đầy để bán cho khách.

Bát muối đầy có ngọn biểu hiện cho sự đầy đủ, no ấm

Bát muối đầy có ngọn biểu hiện cho sự đầy đủ, no ấm

Người mua kẻ bán hỉ hả, vui vẻ trao hàng trao tiền, không ai mặc cả lên xuống như thường ngày. Người bán cảm thấy vui vì bán được hàng và hơn thế là mang cái may mắn, mặn mà tới cho mọi người. Người mua lại càng vui hơn bởi ý nghĩ “đầu năm mua muối” như ông bà truyền lại với ước vọng tình cảm gia đình sẽ luôn đậm đà, khăng khít như vị mặn của hạt muối.

Trong đời sống hằng ngày của đồng bào Bắc Bộ, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Bên cạnh đó, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc mua muối đầu năm là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi xây nhà”. Song, đi liền với quan niệm “Ðầu năm mua muối” là lời nhắc “cuối năm mua vôi”.

Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo, ca dao xưa cũng đã có câu "bạc như vôi". Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Và cũng bởi, xưa các cụ làm nhà vật liệu phải tích cóp hàng năm trời hoặc mấy năm trời trong đó có cả vôi làm vữa xây. Việc tôi vôi chỉ dám thực hiện vào cuối năm tôi vôi, vôi sẽ rã ra hết và đó sẽ là điều không may mắn.

Vôi cũng là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ngôi nhà được quét vôi mới cũng là để xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua. Ở nông thôn, nhiều gia định cũng có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Đây là phong tục của người dân đồng bằng Bắc Bộ, là cái nôi của người Việt, sau đó thì mới lan tỏa. Trong những năm gần đây, tôi thấy phong tục này được nhiều người dân có ý thức khôi phục lại. Theo tôi thì chúng ta rất cần gìn giữ và bảo tồn, bởi đây không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Nếu người ta có tinh thần, có nền tảng vững chắc thì trong năm đó người ta sẽ có sự phát triển tốt hơn, trong công việc sẽ đưa lại nhiều sự thuận lợi hơn”.

Mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về gia đình trong cả năm

Mua muối đầu năm là mua sự mặn mà, gắn kết gia đình trong cả năm

Trở lại câu chuyện của những người bán muối sáng mùng 1 Tết. Ở thành phố bây giờ người người vẫn giữ tục lệ mua muối đầu năm, chỉ có điều giờ đây người ta không mua cả bát muối đầy “có ngọn” như ngày trước mà thay bằng những túi muối nhỏ xinh. Ðêm 30 Tết, rồi sáng mùng một không khó để mua chút muối mang về nhà.

Ðể phù hợp với cuộc sống hiện đại người bán muối chỉ gói một chút muối tượng trưng vào trong chiếc túi nilon dán kín và đặt trong một chiếc túi màu đỏ, miệng túi thắt dây cũng màu đỏ rất đẹp mắt. Không chỉ có muối, trong chiếc túi màu đỏ đó còn có một chiếc bật lửa hay bao diêm tượng trưng cho sự may mắn, ấm áp.

Cũng có người bán còn cầu kỳ cho thêm một gói gạo nho nhỏ, hoặc một linh vật của năm mới, đặt cùng trong một giỏ mây với hàm ý cầu mong sự no đủ suốt cả năm mới. Những túi muối may mắn như thế được bán ở các tụ điểm đông người, nơi đình, chùa…để ai ai cũng có thể mua điều may mắn cho mình vào năm mới.

Cũng có người bán còn cầu kỳ cho thêm một gói gạo nho nhỏ, hoặc một linh vật của năm mới, đặt cùng trong một giỏ mây với hàm ý cầu mong sự no đủ suốt cả năm mới. (Nguồn: Nhã Thanh shop,

Cũng có người bán còn cầu kỳ cho thêm một gói gạo nho nhỏ, hoặc một linh vật của năm mới, đặt cùng trong một giỏ mây với hàm ý cầu mong sự no đủ suốt cả năm mới. (Nguồn: Nhã Thanh shop, Phan Đình Phùng, Hà Nội)

Những niềm tin tưởng như vô định ấy hẳn đã tiếp sức cho mỗi người trên bước đường đời đầy gian khó. Nó cũng cho thấy một tục lệ đẹp rất đáng trân trọng đã được lưu giữ và truyền lại tới hôm nay và mai sau.

Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021.

Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cảm xúc xuân” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

    02:00, 18/01/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Cảm xúc đêm giao thừa

    08:25, 16/01/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Cảm ơn những người hữu duyên gặp trong ngày Tết

    14:00, 12/01/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Có những người lỡ hẹn với mùa Xuân

    13:55, 12/01/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Về nhà ăn Tết

    13:50, 12/01/2021

AN CHI