CẢM XÚC XUÂN: Mạn đàm về khu di tích ba không Bạch Đằng Giang
Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Xuất nguồn dòng chính là Kinh Thầy từ Lục Đầu Giang, đến Đông Triều khi đổ ra biển hợp với sông Giá tạo ra dòng Bạch Đằng.
Chính con sông này bắt đầu trở thành biên giới tự nhiên giữa Hải Phòng và Quảng Ninh với tên Đá Bạc. Trong sách Dư địa chí, tác giả Nguyễn Trãi mô tả: “Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Có lẽ đây chính là hình ảnh gợi tưởng để người ta đặt tên cho dòng sông này, với cả hai nghĩa Vân Cừ (bờ mây) và Bạch Đằng (sóng trắng).
Nhưng điều để Bạch Đằng Giang đi vào kinh điển, chính là nơi đây diễn ra ba cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người Việt vào các năm 938, 981 và 1288. Trong đàm luận về các cuộc chiến thắng trên sông Bạch Đằng, nhiều ý kiến đều khẳng định: “Nói về tầm vóc thì ba trận chiến Bạch Đằng là ba cuộc thủy chiến thuộc diện lớn nhất thế giới…”.
Có thể nói, tầm vóc của các cuộc chiến Bạch Đằng Giang không chỉ lớn về số lượng người và trang bị quân sự của cả hai phía tham gia, mà điều quan trọng là đều mang ý nghĩa quyết định trong các cuộc đối đầu giữa người Việt và người phương Bắc ngày ấy. Nhưng cao hơn cả là tầm vóc chính trị về tinh thần vệ quốc, của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước ách thống trị của các thế lực ngoại bang. Tầm vóc ấy trải qua hàng nghìn năm vẫn luôn chói lọi trên đỉnh cao lịch sử, âm vang hào khí Bạch Đằng Giang – Việt Nam.
Các truyền thuyết và tài liệu lưu lại, đều chứng tỏ nước Việt ta có hàng nghìn năm lịch sử, nhưng lịch sử ấy đã bị dứt đoạn mà chiều dài cũng tính bằng nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc. Và khó có thể tưởng tượng rằng điều gì sẽ xảy ra nếu không xuất hiện một bậc hào kiệt mang tên Ngô Quyền. Bởi chính ông là người tuyên ngôn đầu tiên cho Việt Nam trong kỷ Công nguyên này, để nước Việt độc lập đàng hoàng đi vào lịch sử.
Từ đây tên tuổi Bạch Đằng Giang đã trở thành bất hủ, trong Việt sử tiêu án, tác giả Ngô Thì Sỹ đánh giá: “Nếu không có một trận đánh to để hỏa nhuệ khí của Nam Hán, thì cái tình hình ngoại thuộc lại dần dần thịnh lên, cho nên trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi…”.
Ba chiến thắng lẫy lừng đã làm nên danh tiếng Bạch Đằng Giang, trở thành biểu tượng của tinh thần vệ quốc vĩ đại, chói ngời suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Bạch Đằng Giang không chỉ đi vào huyền thoại, là niềm tự hào ghi danh kinh điển, mà trở thành nguồn cảm hứng của thơ ca, nghệ thuật mọi thời đại. Tác giả Phạm Sư Mạnh thời Trần phải thốt lên rằng: “Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/ Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu (dịch nghĩa: Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên từ hang Dương Cốc/ Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng…”.
Hiện trên địa bàn Hải Phòng có rất nhiều di tích liên quan đến các cuộc chiến Bạch Đằng Giang, cùng với hàng trăm điểm văn hóa truyền thống được lưu truyền từ nhiều đời nay gắn với dấu ấn này. Đặc biệt là khu di tích Bạch Đằng Giang ở Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt của nhân dân thành phố Hải Phòng.
Trải qua thời gian, công trình ngày càng hoàn thiện bằng với quy mô như ngày nay, nổi bật là các cụm công trình: Đền thờ ba vị anh hùng dân tộc gắn liền với các chiến thắng Bạch Đằng; Chùa Trúc Lâm Tự thờ Phật tổ Thích Ca và Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Đền thờ Thánh Mẫu; Đền thờ Tướng công Hoàng tử Lê Duy Mật; các văn bia tượng đài uy nghiêm, thần thái, đều là những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc.
Mới đây nhất, việc phát hiện các bãi cọc ở Cao Quỳ, xã Liên Khê và Đầm Thượng, xã Lại Xuân, cùng ở huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng, càng làm rõ hơn những tồn nghi về chiến trường Bạch Đằng xưa. Theo Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, việc phát hiện các bãi cọc ở Hải Phòng là một vấn đề cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Từ đó mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, giúp có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng mà thành phố Hải Phòng đã đề cao trong thời gian qua.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để quần thể di tích Bạch Đằng Giang vừa được công nhận là di tích cấp quốc gia. Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia Bạch Đằng Giang vừa qua, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ: Đây là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của Di tích.
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang là quần thể kiến trúc tâm linh mang giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với những trận thủy chiến bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công oanh liệt của Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là một trong số ít địa điểm trong cả nước thực hiện ba không: “không thương mại, không buôn bán hàng quán tại khu di tích; không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào tham quan, kể cả phí gửi xe; không rác thải, khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ”.
Sông Bạch Đằng vẫn hiện hữu, mà hiểu biết lịch sử là thước đo của lòng tự tôn dân tộc, nên ý nghĩa giáo dục về các chiến thắng Bạch Đằng không thể chỉ để trên sử sách, mà cần được hiện thực hóa hữu hình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, những di tích lịch sử đang là điểm đến ưa thích của du khách thập phương, chiếm nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Hào khí Bạch Đằng Giang là đỉnh cao của mọi hào khí, nên việc tôn vinh càng phải được quan tâm.
Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Có thể phải cần thêm nhiều công trình nghiên cứu, phải nâng tầm các cuộc hội thảo lên cấp quốc gia hoặc quốc tế, phải hợp nhất các lễ hội thành đại lễ hội, phải quy hoạch cho cả vùng di tích… Cốt sao để khẳng định một điều: chiến thắng Bạch Đằng Giang chính là một trong những biểu tượng xứng đáng của tầm vóc Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |
Có thể bạn quan tâm
CẢM XÚC XUÂN: Đi chùa mùa COVID-19
13:48, 12/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Tết và “cuộc đua” lì xì con trẻ
12:33, 12/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Tết Việt trên đất Mỹ
05:20, 12/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Thông điệp gắn kết từ hạt muối
05:17, 12/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Dạy trẻ cách ứng xử với tiền lì xì
05:00, 12/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Cảm xúc đêm giao thừa
23:00, 11/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Nơi ảm đạm, nơi náo nhiệt
18:23, 11/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Vị Tết xưa…
15:02, 11/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Anh có kịp về với mẹ xuân này
05:14, 11/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Tết xưa - Tết nay
11:02, 10/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Tết con về với Má
05:00, 10/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Khoảnh khắc Xuân
13:00, 09/02/2021
CẢM XÚC XUÂN: Tháng Chạp vui buồn theo nhịp bước mùa Xuân!
05:30, 09/02/2021