Gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại

Diễm Hương 14/06/2021 00:23

Thực tế, đợt dịch Covid-19 lần này phức tạp hơn những lần trước, tại một số địa phương đã khoanh vùng kiểm soát được dịch, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã được hoạt động trở lại.

công nhân có sức khỏe bảo đảm an toàn mới vào sản xuất trong các phân xưởng

Công nhân có sức khỏe bảo đảm an toàn mới vào sản xuất trong các phân xưởng

Thực trạng, khó khăn hiện hữu lúc này là thiếu lao động do lượng lớn công nhân làm tại các khu công nghiệp vẫn đang cách ly tập trung. Trong đó, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM…

Khoanh vùng, kiểm soát khôi phục sản xuất

Theo báo cáo của 2 địa phương Bắc Giang và Bắc Ninh đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, khoanh vùng, thu hẹp được các nguồn lây, tập trung phòng, chống dịch cơ bản ở các khu cách ly tập trung. Địa phương đang tiếp tục triển khai củng cố mô hình cách ly tại khu ký túc xá công nhân, cách ly tại nhà, tự lấy mẫu xét nghiệm và sớm đúc kết, phổ biến cho các tỉnh trên toàn quốc, đề phòng trường hợp nhiều khu công nghiệp ở nhiều địa phương cùng xảy ra dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương cho biết, đây là tín hiệu vui đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại các tại các khu công nghiệp trọng điểm ở những địa phương dịch bệnh diễn ra căng thẳng thời gian qua như Bắc Giang, đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Sau 10 ngày tạm dừng hoạt động đóng cửa 4 khu công nghiệp, tỉnh đã thành lập 35 tổ công tác để tiến hành hướng dẫn, kiểm tra về điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất có chỗ ăn, ở tập trung tại những doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, các doanh nghiệp phải thẩm định và cho phép 98 doanh nghiệp hoạt động trở lại để khôi phục sản xuất, cùng với số lượng 15.760 lao động đăng ký đủ điều kiện hoạt động trở lại làm việc.  

Như vậy, số lượng doanh nghiệp được thẩm định, đủ điều kiện hoạt động lại tăng gấp đôi so với cách đây một tuần. Và trong vòng nửa tháng từ thời điểm quyết định thí điểm cho phép các doanh nghiệp sau khi Bắc Giang tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp do Covid-19 bùng phát, bình quân mỗi ngày Bắc Giang có 15 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Sau khi quay lại hoạt động, các doanh nghiệp đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình mới "thời dịch bệnh", vừa phòng, chống dịch bên ngoài doanh nghiệp, vừa chống dịch trong từng phân xưởng, nhà máy. Công nhân ngồi giãn cách khi làm việc tại phân xưởng, trong giờ ăn ca. Các doanh nghiệp cũng chia nhóm công nhân, bố trí họ ăn, ở và đi cùng xe... để tránh lây lan dịch bệnh.

Tính toán của tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày tỉnh này thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng khi phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn khác và xuất khẩu lớn linh phụ kiện ra nước ngoài, nên việc này còn gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bắc Giang từng bước xem xét cho các doanh nghiệp vận hành trở lại, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tuy vậy, khó khăn hiện hữu lúc này là thiếu lao động do lượng lớn công nhân làm tại các khu công nghiệp vẫn đang cách ly tập trung. Với số lao động tại địa phương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại theo đúng quy trình 7 bước đã được tỉnh này ban hành. Các huyện, xã khẩn trương xét nghiệm lần 2 cho công nhân đang ở tại nhà...Dịch tại Bắc Giang đang dần được kiểm soát, đến trưa 11/6 tỉnh này ghi nhận thêm 84 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca mắc lên 3.875 người. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang quyết tâm dập dịch trong vòng 15 ngày tới.

Theo ông Trác Hiến Hồng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuhong Precision Component tại khu công nghiêp Đình Trám và Quang Châu cho biết: “Chúng tôi là Cty của Đài Loan, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho một số tập đoàn lớn trên toàn cầu. Công ty có gần 1,4 nghìn công nhân làm việc tại 2 khu công nghiệp trên. Để bảo đảm an toàn cho Cty và người lao động, tất cả lao động trước khi về nhà máy sản xuất đều được lấy mẫu xét nghiệm PCR bảo đảm đủ số lần âm tính, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch từ bên ngoài vào bên trong. Công nhân được bố trí ăn, ở cùng tại ký túc xá, đi cùng xe đến nhà xưởng làm việc. 

Không chỉ được đo thân nhiệt một lần bằng hệ thống tự động tại cổng vào, nay công nhân được đo thân nhiệt lần 2 trước khi vào phân xưởng và yêu cầu thay khẩu trang y tế, bỏ khẩu trang cũ vào thùng rác. Công nhân có thân nhiệt từ 37 độ C trở lên sẽ yêu cầu theo dõi, cách ly và không được vào làm việc. Chỉ những công nhân có sức khỏe bảo đảm an toàn mới vào sản xuất trong các phân xưởng”

Gần tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn - Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trên địa bàn Bắc Ninh hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước, hiện có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450.000 công nhân. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp phải dừng sản xuất với hàng chục nghìn lao động buộc phải nghỉ làm, trong đó có nhà máy của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước. Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương liên quan đã nhanh chóng triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt, cấp bách khoanh vùng, kiểm soát dịch.

Tính đến 6 giờ ngày 13/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 1.335 ca dương tính với SARS-CoV-2, tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 525 ca mắc tại 93 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Toàn tỉnh đã rà soát hơn 52 nghìn trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh. Đặc biệt, đến nay, có 762 bệnh nhân đang điều trị, 521 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, 7/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cơ bản kiểm soát tình hình. Sự giúp đỡ của Bộ Y tế và các đoàn công tác đã giúp đỡ Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tạo điều kiện Bắc Ninh tiếp cận cách thức làm việc, khoa học, tổng hợp cao. Sự vào cuộc quyết liệt của đoàn công tác, góp phần tạo sự chuyển biến trong phòng dịch của các cấp ngành mà còn các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Liên quan đến quản lý xuất nhập cảnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh có kế hoạch kiểm soát sau nhập cảnh, nếu phát hiện sai sẽ xử lý chặt chẽ.

Hiện khoảng 50% công nhân của nhiều công ty ở Bắc Ninh đã đi làm trở lại, dự kiến khoảng nửa tháng nữa phần lớn các hoạt động tại Bắc Ninh sẽ quay lại bình thường. Để đảm bảo ổn định sản xuất, các biện pháp phòng dịch cơ bản kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng ra vào, khử trùng tại tất cả các khu vực trong nhà máy, đảm bảo giãn cách an toàn giữa các nhân viên, lắp đặt vách ngăn tránh tiếp xúc trực tiếp tại khu vực nhà ăn, phòng họp, vận hành khu vực khám sàng lọc trong và ngoài nhà máy…

Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cần tuân thủ tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch “Chống dịch như chống giặc” huy động mọi người dân phải vào cuộc; nguyên tắc “Bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó tình hình dịch bệnh; nguyên tắc “chuyển từ phòng ngự sang tấn công”, muốn vậy phải truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, khoanh vùng cách ly; nguyên tắc “Ngăn chặn cách ly, khoanh vùng dập dịch”; nguyên tắc “5K và vaccine”; nguyên tắc “Phong tỏa diện hẹp khoanh vùng diện rộng”. Đồng thời lưu ý, tỉnh cần tập trung giữ vững thành trì công sở, cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, doanh nghiệp, nơi tập trung đông người, trung tâm thương mại, chợ, những người lang thang, cơ nhỡ… để phòng dịch hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tế, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì huy động cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể từng người trong phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cần lưu ý vừa làm vừa đánh giá về yếu tố điều tra dịch tễ, thần tốc trong xét nghiệm, đánh giá hiệu quả thực hiện các Chỉ thị như Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg, đánh giá nguy cơ địa bàn giáp ranh để quyết định tiếp tục phong tỏa hay nới lỏng phong tỏa; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh người dân, cán bộ, đảng viên, có biện pháp xử lý kịp thời. Duy trì ổn định chuỗi sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM, xuất hiện ca nhiễm nhỏ lẻ là điều có thể xảy ra trong thời gian tới. Theo một số chuyên gia khuyến cáo bởi hiện nay, Việt Nam đang là công xưởng của thế giới, trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4, Việt Nam là điểm sáng trong chuỗi cung ứng sản xuất ổn định so với chuỗi cung ứng bị đứt gãy của Trung Quốc, nhiều đơn hàng từ các nước đã chuyển về Việt Nam nhờ việc khống chế dịch thành công. Cho nên, các địa phương lân cận cần lưu ý những trường hợp liên quan đến các chùm ca bệnh ở các khu dân cư có đông công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Các tỉnh có nhiều khu công nghiệp sát TPHCM như Bình Dương phải quản lý chặt chẽ những khu dân cư này, không để dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp.

Theo ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được vắc xin để tiêm ngừa cho công nhân, người lao động. Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị với lãnh đạo Thành phố, với Chính phủ có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa, có kế hoạch và lộ trình cụ thể về chương trình ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, trong thời gian sớm nhất. Đồng thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện mua vắc xin để tiêm cho cán bộ, công nhân viên của mình. Đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động ổn định trong thời gian qua và đóng góp lớn cho xuất khẩu và cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa.

"Bài tuyên truyền NQ 84 - CP ngày 29/5/2020"

Diễm Hương