TP.HCM: Giải tán chợ tự phát, dừng toàn bộ xe taxi, xe công nghệ và xe buýt

ĐÌNH ĐẠI 20/06/2021 03:00

TP.HCM sẽ ngưng hoạt động các chợ tự phát, tạm dừng hoạt động toàn bộ taxi, xe công nghệ, xe buýt. Đồng thời, người dân không được tụ tập quá 3 người tại nơi công cộng để phòng dịch COVID-19.

Tối 19/6, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, đã có những thông tin về các chỉ đạo mới của TP.HCM trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

TP.HCM sẽ dừng hoạt động tất cả các chợ tự phát để phòng dịch COVID-1

Theo Chỉ thị mới, TP.HCM sẽ dừng hoạt động tất cả các chợ tự phát để phòng dịch COVID-19.

Theo ông Từ Lương, diễn biến dịch COVID-19 những ngày qua tại Thành phố rất phức tạp, số ca nhiễm đã vượt qua 3 con số, dự báo trong tuần tới sẽ có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. 

"Thành phố không áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc mà sẽ ban hành một Chỉ thị riêng của Thành phố để siết chặt, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố", ông Từ Lương nói.

Vừa qua, Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 (quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc) thì có một số nơi chưa nghiêm, cần phải siết chặt. Tăng cường, bổ sung thêm những khu vực, những địa bàn có ca nhiễm nhiều, cơ bản Chỉ thị mới của Thành phố có 6 điểm như sau:

Thứ nhất, tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn. Đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động xe taxi, xe công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh.

Thứ hai, không tụ tập 3 người đối với nơi công cộng ngoài công sở, phạm vi bệnh viện, trường học (hiện nay quy định 5 người), yêu cầu giữ khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5m (hiện nay quy định 2m).

Thứ ba, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác.

Đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động xe taxi, xe công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh.

Đồng thời, Thành phố cũng dừng toàn bộ các hoạt động xe taxi, xe công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh.

Thứ tư, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi cho UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Thứ năm, các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, tập đoàn bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế. 

Thứ sáu, dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp, không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn của UBND TP.HCM để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, vào trưa ngày 19/6. Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết,  về cơ bản, Thành phố đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.

Ông Nên thống nhất với các đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn. Đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin, nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng.

Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM. Nâng cao mức giãn cách xã hội tại Thành phố, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm sau 1 tuần tới, Thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các lực lượng, ban ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng, đến tận từng người dân để người dân hiểu, đồng thuận và chia sẻ cùng Thành phố. Tất cả để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và sự an toàn, phát triển bền vững của Thành phố.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Doanh nghiệp du lịch sẽ được vay lãi suất 0% để trả lương

    TP.HCM: Doanh nghiệp du lịch sẽ được vay lãi suất 0% để trả lương

    05:00, 16/06/2021

  • TP.HCM “khỏe” thì cả nước sẽ ổn

    TP.HCM “khỏe” thì cả nước sẽ ổn

    05:30, 15/06/2021

  • TP.HCM: Dịch COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào các khu công nghiệp

    TP.HCM: Dịch COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào các khu công nghiệp

    05:00, 13/06/2021

  • Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế của TP.HCM?

    Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế của TP.HCM?

    05:00, 11/06/2021

ĐÌNH ĐẠI