TP.HCM xin giữ lại kinh phí ủng hộ phòng dịch COVID-19 để mua vaccine

ĐÌNH ĐẠI 29/06/2021 10:14

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị được giữ lại số tiền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và ủng hộ kinh phí mua vaccine nói riêng.

Xin giữ lại kinh phí phòng dịch COVID-19 để mua vaccine

Theo đó, văn bản của UBND TP.HCM gửi Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài chính kiến nghị cho phép Thành phố không chuyển vào ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Tung ương hoặc ngân sách địa phương) đối với kinh phí Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) để mua vaccine.

Hiện TP.HCM đã có hơn 80 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng, hiện đã tiếp nhận ủng hộ hơn 65 tỷ đồng.

Hiện TP.HCM đã có hơn 80 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng, hiện đã tiếp nhận ủng hộ hơn 65 tỷ đồng.

Đồng thời, cho phép Ủy ban MTTQVN TP.HCM được tiếp tục theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, bao gồm số dư hiện tại và nguồn ủng hộ trong thời gian tới (nếu có) để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm cả việc mua vaccine.

UBND TP.HCM cho biết, sẽ căn cứ chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế về mua vaccine để chủ động các nguồn lực tài chính để thực hiện theo hướng dẫn.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phối hợp với Sở Tài chính địa phương chuyển toàn bộ kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine phòng COVID-19.

Theo UBND TP.HCM, Thành phố là nơi tập trung đông dân cư, bao gồm cả thường trú và tạm trú, Thành phố cũng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, để công tác phòng, chống dịch được chủ động, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng thì cần thiết phải có nguồn kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước.

UBND TP.HCM nhìn nhận nhu cầu kinh phí mua vaccine để tiêm phòng cho người dân rất lớn nhưng nguồn ngân sách Nhà nước có giới hạn. Do đó, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã kêu gọi ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, đã có hơn 80 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng, hiện đã tiếp nhận ủng hộ hơn 65 tỷ đồng.

Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang diễn biến phức tạp, khó lường, Thành phố đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, thời điểm này rất cần nhiều nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp bách.

“Trong thời gian qua, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý và chi tiêu nguồn quỹ chặt chẽ, minh bạch, kịp thời chăm lo hỗ trợ trang thiết bị y tế, hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Điều này đã tác động rất tích cực, góp phần chia sẻ nguồn lực với ngân sách Nhà nước, cũng như chủ động giải quyết được các khoản chi cấp bách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định quản lý ngân sách Nhà nước”, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết.

Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10

Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tối ngày 28/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Dức cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10. Theo ông Đức, Chỉ thị 10 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ban hành tối ngày 19/6, trong bối cảnh Thành phố ghi nhận số ca dương tính với COVID-19 tăng nhanh trong cộng đồng.

TP.HCM đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, với hơn 800.000 liều chỉ trong 1 tuần.

TP.HCM đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, với hơn 800.000 liều chỉ trong 1 tuần.

Chỉ thị 10 yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát, dừng hoạt động xe taxi, xe công nghệ, xe buýt; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước ở TP.HCM ngừng nhận hồ sơ trực tiếp, bố trí không quá 50% cán bộ, công chức ở trụ sở…

Trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 cho đến 0h ngày 29/6.

Đến ngày 19/6, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, được đánh giá là cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Song song đó, TP.HCM đã thực hiện đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử từ nguồn vắc xin hơn 800.000 liều được Bộ Y tế phân bổ. Tính đến tối ngày 28/6, Thành phố đã cơ bản hoàn thành chiến dịch này.

Lập đội công tác đặc biệt khẩn cấp

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM diễn ra ngày 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, Thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp mạnh nhưng số ca nhiễm hằng ngày vẫn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do đó, ông Phong chỉ đạo Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức. 

TP.HCM cũng mở chiến dịch lấy mẫu xét nghiệp COVID-19 toàn dân để truy lùng F0.

TP.HCM cũng mở chiến dịch lấy mẫu xét nghiệp COVID-19 toàn dân để truy lùng F0.

Đồng thời, tăng cường tổ công tác đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cao như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... và hỗ trợ một số quận, huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp. Riêng tại các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Thành phố giao cho ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày tại các khu cách ly và khu phong tỏa. Trước việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học; cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.

Đối với công tác xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Đồng thời phải tập huấn tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn cho những người đi xét nghiệm. Ông Phong giao Thành đoàn TP.HCM huy động sinh viên của các trường y thành những đội xét nghiệm hỗ trợ cho các quận, huyện. 

Tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao.

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến sáng ngày 29/6, TP.HCM đã ghi nhận 3.492 ca dương tính với COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, với nhiều chuỗi lây nhiễm nhanh và phức tạp. Hiện tất cả 22/22 quận, huyện của TP.HCM đều đã ghi nhậm ca dương tính với COVID-19. TP.HCM cũng đã phân chia quận, huyện thành 3 nhóm nguy cơ.

Cụ thể,nhóm quận huyện có nguy cơ rất cao gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức. Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10

    TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10

    02:00, 29/06/2021

  • TP.HCM thông qua Nghị quyết về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025

    TP.HCM thông qua Nghị quyết về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025

    15:37, 25/06/2021

  • Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết đẩy lùi dịch COVID-19

    Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết đẩy lùi dịch COVID-19

    14:12, 24/06/2021

  • Kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng

    Kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng

    11:00, 24/06/2021

  • TP.HCM: Giải tán chợ tự phát, dừng toàn bộ xe taxi, xe công nghệ và xe buýt

    TP.HCM: Giải tán chợ tự phát, dừng toàn bộ xe taxi, xe công nghệ và xe buýt

    03:00, 20/06/2021

ĐÌNH ĐẠI