Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên để điều trị COVID-19

MINH CHÂU 17/07/2021 05:00

Việt Nam đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị COVID-19, là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Ngày 16.7, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 128 điểm cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc đông y xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị COVID-19.

Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Hiện Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị COVID-19 như Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng", Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Việt Nam đang có khoảng 20 đơn hàng với nhiều loại thuốc khác nhau nhập khẩu từ nước ngoài để sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị, cơ sở y tế điều trị COVID-19.

Về vấn đề này, ông Cường cho biết Bộ Y tế sẽ xin nhập khẩu và đề nghị cấp phép nhanh nhất cho các loại thuốc này.

Thuốc xuyên tâm liên được sử dụng trong điều trị COVID-19.

Thuốc xuyên tâm liên được sử dụng trong điều trị COVID-19.

Trước đó, ngày 7.7, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Hội đồng chuyên môn bàn luận các ý kiến về sử dụng kháng thể đơn dòng, Corticoid; thuốc chống đông, thuốc đông y (xuyên tâm liên) trong điều trị COVID-19; tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19.

Xuyên tâm liên còn có tên là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, cỏ đắng, cỏ Ấn Độ… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Xuyên tâm liên được coi như một loại kháng sinh thực vật và được sử dụng để điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm, cảm cúm thông thường...

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, hiện thế giới chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh COVID-19, chủ yếu điều trị triệu chứng, theo dõi sát bệnh nhân, hạn chế để tình trạng từ bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng. Việc điều trị bệnh nhân luôn cần cá thể hóa vì diễn biến lâm sàng ở mỗi bệnh nhân khác nhau.

"Đây là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó, từng dùng để chữa bách bệnh. Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng. Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này"- PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nói.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Về việc chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Thứ trưởng đánh giá một số nơi đang trong trạng thái bị động. Cụ thể, một số trang thiết bị không mua được do thế giới cũng thiếu như máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở cao tần (HFNC)... Nếu mua được, thời gian chuyển về cũng rất lâu.

Bên cạnh đó, một số trang thiết bị, máy móc sẵn có nhưng các cơ sở y tế không muốn mua. Nhiều trường hợp khác có kinh phí, muốn mua nhưng gặp vướng mắc về thủ tục như xác định giá, cấu hình chưa phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

Ông Cường cho biết việc nhiều cơ sở y tế, địa phương có thể thiếu vật tư, phương tiện bảo hộ nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp mà chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Do đó, ông yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động trong việc chuẩn bị khẩu trang, quần áo bảo hộ tùy tình hình. Nếu cần thiết, Bộ Y tế có thể hỗ trợ vấn đề này.

"Về test kit, chúng tôi thấy một số nơi vẫn lúng túng trong việc mua. Bộ Y tế đã có công văn chính thức hướng dẫn đầy đủ địa chỉ, loại sản phẩm, độ nhạy, mức độ đặc hiệu, nguồn gốc xuất xứ hay mức giá dự kiến. Các đơn vị cần căn cứ vào đó để chủ động hơn", ông Cường nói thêm.

Theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đang tiếp tục nhận viện trợ, đồng thời khẩn trương nhập khẩu thêm test kit để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với các trang thiết bị cấp cứu, điều trị như máy ECMO, máy thở oxy cao tần HFNC, lọc máu liên tục, máy thở oxy từ khí trời, hệ thống oxy di động cỡ lớn..., Thứ trưởng Cường nhấn mạnh các địa phương cần chủ động để luôn sẵn sàng trong tình huống xấu nhất.

"Các tỉnh có tình hình dịch chưa quá phức tạp cũng cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, tránh bị động dẫn đến khó kiểm soát", ông Cường nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Thế giới chạy đua tìm phương thức điều trị COVID-19

    03:38, 17/07/2021

  • Thêm 40 ca COVID-19, Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 tại 4 phường

    13:41, 16/07/2021

  • 5 trụ cột để dập dịch COVID-19 tại TP HCM

    12:38, 16/07/2021

  • Thêm hy vọng từ thuốc uống điều trị COVID-19

    08:03, 16/07/2021

MINH CHÂU