Hơn 34.000 bệnh nhân COVID-19, y tế TP.HCM có quá tải?

MINH CHÂU 20/07/2021 01:00

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định thành phố đủ máy thở và thiết bị điều trị COVID-19, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quá tải.

Tại họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 19/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố đủ máy thở và thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo) cho công tác điều trị COVID-19. Ngành y tế cũng đang đầu tư nhiều trang thiết bị, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cũng tài trợ cho công tác điều trị COVID-19.

"Đối với máy thở giai đoạn hiện nay, thành phố đáp ứng được, thiết bị ECMO tiếp tục được đầu tư mua mới cùng sự tài trợ của các doanh nghiệp nên cũng đủ", ông Nam nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết các bệnh viện dã chiến là nơi điều trị F0 không có triệu chứng. Ngành y tế đã trang bị cho các bệnh viện dã chiến các bình oxy, nếu những bệnh nhân này chuyển sang có triệu chứng thì được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Do đó, bệnh viện dã chiến không phải là nơi cần máy thở. Máy thở sẽ tập trung ở bệnh viện tuyến cuối để điều trị. Ngành y tế TP.HCM hiện trang bị 4 bình oxy cao áp với 12 tấn oxy/bình. Ngành y tế TP.HCM cũng phân bổ 180 bình oxy về các quận huyện.

Về vấn đề nhiều bệnh viện dã chiến xin hỗ trợ trang thiết bị, máy thở, ông Nam cho hay TP.HCM cần có sự chuẩn bị trang thiết bị cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra. "Không phải để lúc thiếu máy thở thì mới xin khẩn cấp", ông Nam nói.

Ông dẫn chứng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay Bệnh viện đa khoa Thủ Đức đều đã chia ra để tiếp nhận bệnh nhân F0 có triệu chứng. Máy thở được tập trung ở các bệnh viện tuyến cuối để điều trị bệnh nhân cần thở máy.

TP.HCM đang triển khai các khu để tiếp nhận điều trị F0. Số F0 hiện điều trị khoảng 30.000 người, tuy nhiên ngành y tế dự trù cho kịch bản 60.000 bệnh nhân. Thành phố đang xây dựng bệnh viện dã chiến mới tại huyện Bình Chánh và đang từng bước hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

"Hiện khu điều trị F0 tại khu tái định cư vẫn còn rộng, do đó, năng lực tiếp nhận F0 vẫn dư khả năng", ông Nam cho biết và nói thêm do không lường được diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên ngành y tế vẫn đang tiếp tục lên các kịch bản cao hơn.

Trong giai đoạn đầu, ngành y tế chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa bệnh nhân F0 vào khu cách ly điều trị nên có tình trạng F0 chờ lâu trong cộng đồng để nhập viện.

"Giai đoạn đầu, chúng tôi xác nhận chưa có đồng bộ, Sở Y tế đã nhận thấy và họp với Trung tâm cấp cứu 115. Tất cả vấn đề chuyển F0 được giao hoàn toàn cho Trung tâm cấp cứu 115 để điều phối xe. Ví dụ, ngay 2h hôm qua có ca, chúng tôi cũng liên hệ và chuyển ngay", ông Nam nói.

Ông Nam cũng khẳng định ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản và mở rộng nhiều cơ sở để điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị có chuyên ngành rất sâu nhưng vẫn thực hiện chia đôi nhiệm vụ, một nửa điều trị bệnh nhân COVID-19, một nửa để chăm sóc sản phụ khoa.

Theo đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, những ngày qua số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng rất nhanh. Đây là kết quả của việc rà soát, phát hiện sớm các trường hợp F0 trong khu cách ly, khu phong tỏa, đặc biệt trong sàng lọc cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM.

Hiện tại, số ca mắc tại TP.HCM luôn vượt 2.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên. Đây là gánh nặng rất lớn trong thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó các ca trở nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến 2, một số trường hợp nặng chuyển lên tuyến 3, tuyến 4.

Do đó cần phải tăng cường các nguồn lực về thu dung bệnh nhân, điều trị cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ.

“Nếu tính đến phương án điều trị 30.000 ca mắc, thành phố có thể đáp ứng được về trang thiết bị, nhân lực với điều kiện vẫn có sự hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị vật tư của Trung ương.

Nếu kịch bản trên 30.000 ca thì thành phố chủ động xây dựng tiếp kịch bản lên đến 100.000 ca, tuy nhiên đây là kịch bản hết sức khó khăn. Khi đó, không chỉ TP. HCM mà Trung ương cũng phải có biện pháp hết sức cụ thể để hỗ trợ cho thành phố”, Thứ trưởng Sơn nhận định.

Thứ trưởng nhìn nhận, với việc thay đổi quy định cho phép F0 không triệu chứng hoặc tải lượng virus thấp được xuất viện sớm (nhanh nhất trong vòng 3 ngày từ khi phát hiện), các cơ sở điều trị sẽ giảm áp lực phần nào. Tuy nhiên khi F0 về theo dõi tại nhà sẽ tạo gánh nặng mới cho hệ thống y tế cơ sở.

“Chúng tôi yêu cầu F0 khi về nhà phải có sự theo dõi của hệ thống y tế cơ sở, phải có nhân viên y tế hỏi thăm, theo sát, kết hợp với hệ thống liên lạc qua đường dây nóng, công nghệ để có thể phát hiện sớm nhất các trường hợp có triệu chứng bất thường, kịp thời can thiệp. Đây là khó khăn mà TP.HCM phải tổ chức để đảm bảo việc cách ly F0 tại nhà thành công và an toàn”, Thứ trưởng thông tin.

Đặt câu hỏi TP.HCM đã đạt đỉnh dịch hay chưa, Thứ trưởng Sơn cho rằng hiện tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp nên khó nói.

"TP.HCM vẫn đang leo thang, sớm lắm cũng phải một vài ngày nữa mới có thể đưa ra nhận định được. Tuy nhiên, bản thân là những người tham gia hỗ trợ TPHCM, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TPHCM là hiện giờ chúng ta đang đạt được và số ca mắc sẽ giảm dần", Thứ trưởng Sơn nói.

Sau hơn 1 tuần áp dụng Chỉ thị 16, Thứ trưởng Sơn đánh giá việc giãn cách trên địa bàn hết sức rộng lớn và rất phức tạp như TP.HCM còn nhiều khó khăn. Song các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị càng gần ngày thứ 7 càng được tăng cường mạnh mẽ, siết chặt.

Hiện thành phố đã tính nhiều phương án, dừng Chỉ thị 16 sau 2 tuần, có thể kéo dài hơn hay chỉ kéo dài một số nội dung của Chị thị 16. Trường hợp số ca mắc giảm dần, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề xuất thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà cần lùi từng bước để đưa về trạng thái bình thường mới.

Y tế TP.HCM đang chịu gánh nặng rất lớn, đủ đáp ứng kịch bản 30.000 ca mắc, nhưng nếu hơn nữa cần Trung ương hỗ trợ.

Y tế TP.HCM đang chịu gánh nặng rất lớn, đủ đáp ứng kịch bản 30.000 ca mắc, nhưng nếu hơn nữa cần Trung ương hỗ trợ.

Trước tình hình cấp bách, TP.HCM đã quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19 trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bệnh viện này có quy mô 1.000 giường với 2.000 nhân viên y tế, tập trung điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng 4, tầng cao nhất - ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngoài ra, trong ngày hôm qua, Bộ Y tế đã quyết định thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM và lập tức điều 2.000 máy thở vào kho này.

Tính đến ngày 17/7, Bộ Y tế đã điều 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.

Bên cạnh đó, hơn 30 lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM triển khai các hoạt động chống dịch COVID-19. 

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM sẽ tiêm cả 3 loại vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 5

    16:01, 19/07/2021

  • Hà Nội phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch COVID-19!

    15:21, 19/07/2021

  • Dòng chảy thị trường “thời COVID”

    11:00, 19/07/2021

  • Tiềm năng vaccine phòng COVID-19 của Cuba

    04:50, 19/07/2021

  • TP HCM: Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã tiếp nhận 160 bệnh nhân nặng và nguy kịch

    02:30, 19/07/2021

MINH CHÂU