TP.HCM sẽ tiêm 3 loại vaccine COVID-19 đợt 5 ra sao?
Theo Sở Y tế TP.HCM, có 15 nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine đợt này. Thành phố sẽ phân bổ cả 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Ngày 20/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có tờ trình gửi UBND TP kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM với hơn 1,1 triệu liều vaccine.
Theo đó, thành phố sẽ tiêm cho những người trên 18 tuổi với đối tượng người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường) đang được điều trị tại bệnh viện và có địa chỉ thường trú tại TP.HCM; người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế (công lập, tư nhân); người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
Ngoài ra, còn có lực lượng quân đội, công an của TP.HCM; nhân viên cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người lao động đang tham gia hoạt động tại các doanh nghiệp; giáo viên; thân nhân những người làm việc tại các cơ sở y tế, ngành y tế tham gia tuyến đầu chống dịch...
Đối tượng được tiêm vaccine trong đợt 5 bao gồm cả người được tiêm mũi 1 và người được tiêm nhắc mũi 2 nếu đủ điều kiện. Cụ thể, vaccine Astra Zeneca (tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên của đợt 5, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm Astra Zeneca mũi 1 từ 8 - 12 tuần). Trong đợt này, TP.HCM cũng đưa vắc-xin Moderna và Pfizer để tiêm cho người dân.
Thời gian tiêm kéo dài 2-3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời không ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch của Thành phố.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 sắp tới tại thành phố sẽ ưu tiên cho những người có bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người lao động làm việc cho doanh nghiệp dịch vụ tiện ích, thực phẩm… và công dân nước ngoài đang làm việc tại TP.HCM.
Về kế hoạch, đợt này, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm ở 312 trạm y tế. Mỗi ngày, mỗi quận - huyện tổ chức 2 bàn tiêm, nếu trạm y tế nào rộng rãi thì tổ chức 2 bàn tiêm, nếu trạm nhỏ thì 1 bàn và quận - huyện tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm lưu động. Địa phương nào dân đông thì sẽ tổ chức 4-5 bàn tiêm để đáp ứng nhu cầu tiêm trong thời gian 2-3 tuần.
Mỗi điểm chỉ tiêm 120 người, như vậy sẽ tổ chức giãn cách hiệu quả. Sau 2-3 tuần thì sẽ tiêm được hết số liều vắc-xin được phân bổ. Kế hoạch này thực sự khả thi. Từ đối tượng này, chúng tôi thấy tiêm cho người dân là chiếm số lượng cao nhất
Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, TP.HCM tổ chức các đội tiêm có bác sĩ thăm khám sàng lọc, điều dưỡng, tổ theo dõi sau tiêm và đặc biệt là cơ cấu bác sĩ cấp cứu để phòng ngừa sự cố sau tiêm. Đồng thời, bố trí vị trí xe cấp cứu để đưa người tiêm có sự cố đến bệnh viện nhanh nhất
Về các đối tượng ưu tiên lần này, Sở Y tế giao hẳn về các quận - huyện vì địa phương nắm rõ nhất, như những người trên 65 tuổi hay người có bệnh lý nền. Những bệnh nhân này hiện nay được quản lý trực tiếp tại trạm y tế phường - xã trong chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, những nhóm đối tượng này sẽ được UBND phường - xã tổng hợp báo lên UBND quận - huyện, sau đó quận - huyện sẽ báo lên TP.HCM. Căn cứ số lượng quận - huyện đăng ký, Sở Y tế sẽ phân bổ vaccine về cho các địa phương này để tiêm.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, tiêm vaccine COVID-19 phải trải qua một quy trình ở cấp độ an toàn cao nhất nên để tiêm vaccine cho người dân sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu chính đáng của người dân, tiến độ tiêm vaccine COVID-19 phải cần đẩy nhanh hơn nữa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng I - TPHCM, ngành Y tế cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng.
"Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải tiêm hết lượng vaccine COVID-19 hiện có thì việc đàm phán để mua hoặc yêu cầu các đơn vị sản xuất hỗ trợ mới thực hiện được. Nếu mình chưa tiêm hết vaccine thì việc tiếp nhận thêm các lô mới sẽ khó khăn hơn" - bác sĩ Khanh phân tích.
Bác sĩ Khanh cho rằng, nếu nói lý do tiêm chậm là do lần trước tiêm dồn dập và khiến người đi tiêm tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm là sai. Bởi nguyên tắc quan trọng nhất là tiêm cho người dân càng sớm càng tốt, không thể chậm trễ. Việc tiêm chủng ùn ứ thì khâu tổ chức có thể thay đổi và điều chỉnh được.
"Việc còn hơn 4,7 triệu liều vaccine trong kho chưa tiêm cần phải đặt câu hỏi là đã về Việt Nam bao lâu rồi, phân bố đến tỉnh nào và tại sao chưa tiêm được. Chính phủ đang yêu cầu thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm chủng nên theo tôi cần đẩy nhanh hơn nữa. Các địa phương cần sớm báo cáo kế hoạch tiêm vì dân nghe rất nhiều nhưng không thấy đến lượt mình tiêm nên họ rất mong mỏi" - bác sĩ Khanh nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, một chuyên gia y tế dự phòng cho rằng, do sự khan hiếm vaccine nên thực tế trong 6 tháng đầu năm Việt Nam chỉ nhận gần 4 triệu liều vaccine. Hơn một nửa số vaccine còn lại chỉ mới tiếp nhận từ ngày 2.7 đến nay.
Khi tiếp nhận vaccine COVID-19 về, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định một số liều vaccine trong các lô và cấp giấy chứng nhận đối với từng lô vaccine COVID-19. Sau đó, vaccine mới được chuyển từ kho tiêm chủng mở rộng trung ương về phân bổ cho các địa phương theo kế hoạch chuẩn bị từ trước của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
"Hơn 4 triệu liều vaccine mới được nhận từ đầu tháng 7 đến nay và trải qua quá trình kiểm định đảm bảo chắc chắn an toàn rồi mới tiêm cho người dân" - vị chuyên gia này cho hay.
Về nguyên nhân và giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong thời gian tới, theo bác sĩ Hữu Khanh, có khả năng nguyên nhân tiêm chậm tại TP.HCM và một số nơi là do sàng lọc các đối tượng ở địa phương chưa xong. Bởi trong đợt tiêm này, đối tượng tiêm chủng được mở rộng cho cả những người trên 65 tuổi.
"Theo tôi, đúng là lực lượng y tế đang vất vả chống dịch nhiều nhiệm vụ song nên tiêm vaccine dứt điểm. Bởi khi tiêm xong thì cả chính quyền và người dân đều yên tâm chống dịch. Cần sàng lọc nhanh đối tượng, các địa phương nên vừa tiêm vừa sàng lọc vừa tổng kết số người trong diện được tiêm. Nhu cầu người dân đang rất lớn" - bác sĩ Khanh nói.
Có thể bạn quan tâm
Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19: Ý tưởng nhân văn của Việt Nam
05:30, 20/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia
19:55, 19/07/2021
Doanh nghiệp Đà Nẵng “trông” vaccine COVID-19
16:01, 19/07/2021
Tiềm năng vaccine phòng COVID-19 của Cuba
04:50, 19/07/2021
Thêm 921.400 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam
11:11, 15/07/2021
Vaccine Sinovac có hiệu quả thế nào trước biến thể Delta?
14:03, 14/07/2021
"Cánh tay Covid" - triệu chứng sau tiêm vaccine Moderna có đáng lo?
12:53, 14/07/2021
2 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna được phân bổ ra sao?
12:30, 14/07/2021