Bức tâm thư của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

MINH CHÂU 24/07/2021 20:22

Vị Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM vừa có lời kêu gọi toàn hệ thống y tế, kể cả nhân viên y tế hưu trí... cùng tham gia chống dịch COVID-19 tại TP HCM.

Chiều 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, đã có lời kêu gọi toàn hệ thống y tế công, tư, bạn trẻ, nhân viên y tế hưu trí... cùng tham gia chống dịch cho TP HCM.

NỘI DUNG BỨC THƯ:

"Thân gửi các anh chị em đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại TP HCM, cùng các đồng nghiệp gần xa!

Sự bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Delta tại TP HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của TP và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Sự nỗ lực cố gắng không quản ngày đêm, chung tay cùng TP chống dịch luôn được sự ghi nhận, trân trọng và biết ơn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.

Hiện tại nhờ nỗ lực của TP và sự chi viện của cả nước các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện, nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực Y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP HCM. Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Để tham gia vào những hoạt động này, xin quý đồng nghiệp đăng ký với phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP HCM theo số điện thoại 028.39309967 hoặc 0907.574.269.

Hãy chung tay cùng nhau khống chế dịch bệnh đưa TP sớm quay lại cuộc sống bình thường".

Bản tin dịch COVID-19 tối 24/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.977 ca mắc COVID-19, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh đã 3.326 ca. Tổng số mắc trong ngày hôm nay là 7.968 ca. Trong ngày có 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5396), Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa - Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21);

Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 2.428 ca trong cộng đồng.

- Vào sáng ngày 24/7, Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7/2021 tại các khu cách ly và khu phong tỏa.

Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước.

- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã gửi Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh công văn số 5929/BYT-KCB ngày 23/7 đề xuất một số nội dung về việc quản lý người nghi nhiễm và người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, triển khai các phương án vừa chống dịch, vừa tiến hành sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ. Đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng, tập huấn an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng để đảm bảo tiêm an toàn, không để lây nhiễm tại các điểm tiêm chủng.

MINH CHÂU