COVID-19, chợ “dã chiến” và những chuyến xe yêu thương

NGUYỄN VIỆT 11/08/2021 05:05

“Đi chợ giùm dân”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”, “Suất cơm nghĩa tình”... là những cách bán hàng sáng tạo được một số địa phương áp dụng trong đại dịch COVID-19.

Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn một số tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. 

Sở Công Thương TP HCM mới đây đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình

"Siêu thị di động kiểu mới", bày bán hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt.

Từ “Đi chợ giùm dân”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”, “Suất cơm nghĩa tình” đến bố trí xe lưu động, bán hàng theo combo, không tiếp xúc, bê chợ ra chỗ thoáng, tổ đi chợ hộ, đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử… đã cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết để mỗi nhà, mỗi người có đủ dinh dưỡng trong bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng để phòng, chống dịch bệnh.

Dìu dắt nhau vượt qua giai đoạn khó

Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, mặt khác người dân cũng không thể di chuyển sang các chợ lân cận nên việc mua thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết tình trạng trên, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

Đơn cử, tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư, gồm khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.

Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.

Một số quận, huyện như Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh… thì triển khai phát thẻ vào chợ cho người dân theo nguyên tắc chỉ được sử dụng thẻ để vào chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết theo quy định trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND; quy định giờ và ngày ra vào chợ, dùng cho 1 người/lượt.

Khi đến các siêu thị, chợ lưu động, người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, đảm bảo giãn cách khi mua hàng. Mô hình này cũng được nhiều địa phương khác như TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang có dịch áp dụng. 

“Gian hàng 0 đồng”.

“Gian hàng 0 đồng”

Đây là hiệu quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bởi để chống dịch thành công thì không thể thiếu lương thực, thực phẩm. Từ nhận thức đó, ngành Công thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tại An Giang lên kế hoạch kiểm soát lượng hàng hóa cung ứng về các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên thị trường.

Đồng thời, vận động doanh nghiệp, nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn để trong thời gian chống dịch, hàng hóa thiết yếu, như gạo, mì gói, thịt, gas, rau, củ… có giá cả ổn định, giúp nhân dân có đầy đủ dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.

Thực tế cho thấy, ngay những ngày đầu thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn các phường Long Thạnh, Long Hưng, Long Châu (TX. Tân Châu) của tỉnh An Giang vẫn còn nhiều người đến chợ, trong khi quy định giãn cách là không tập trung đông người.

Để giải quyết khó khăn này, Đảng ủy, UBND phường Long Thạnh đã thực hiện chủ trương “Đi chợ giùm dân”. Mô hình do các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của phường thực hiện và khi thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế lượng người ra đường không cần thiết.

Cùng với “Gian hàng 0 đồng”, mô hình “Đi chợ giùm dân” đã mang lại sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ hộ nghèo, lao động nghèo tại các địa phương. Thông qua các mô hình góp phần thắt chặt nghĩa tình, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của dân tộc, dìu dắt nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

Trong những ngày cả nước chống dịch, chỉ tính riêng địa bàn tỉnh, đã có hàng trăm gian hàng, hàng ngàn tấn rau, củ, quả, gạo được mang đến phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.

Nhiều địa phương có dịch cũng xuất hiện mô hình chợ này để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cần hàng hóa thiết yếu để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Siêu thị “di động” và mô hình “combo”

Được mở bán lại, nhiều chợ tại TP.HCM đã áp dụng một số mô hình bán hàng kiểu mới như bán theo "combo", lập các đội bán hàng lưu động, nhằm phục vụ nhu cầu người dân. 

"Mang chợ ra chỗ thoáng"

Hình thức mua hàng Combo (gói những hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ đời sống người dân hàng ngày) đang được áp dụng nhiều nơi tại TP.HCM. Nhiều siêu thị cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng combo để người dân tiện mua sắm, với chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.

Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương ghi nhận, mô hình bán hàng lưu động bằng xe buýt hoặc chợ "dã chiến" lưu động đã được nhiều tiểu thương đăng ký nên quận sẽ tăng quy mô thực hiện để thay thế các chợ bị tạm ngưng vì dịch, các phường có nhu cầu sẽ được hỗ trợ.

Trong khi đó, dù chợ tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua nhưng đại diện Ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) cho biết đơn vị vẫn phối hợp với chính quyền, tiểu thương để giao hàng đến người dân, điểm cách ly, phong tỏa.

Viettel Post tại TP HCM cho biết ngoài duy trì bán rau củ, đơn vị đã tăng lượng bán trứng lưu động lên hàng chục nghìn quả mỗi tuần bằng hình thức nhận đơn hàng trên kênh online và giao tận nơi cho khách. 

Tương tự, vừa tham gia bán thực phẩm lưu động, đại diện Bưu điện TP HCM cho biết đơn vị bán ra khoảng 20.000 trứng gia cầm cho mỗi đợt, và có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như tặng gạo, giao hàng miễn phí.

Hiện nhiều siêu thị như Vinmart, Vinmar+... cũng đã bắt đầu áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân. 

Theo đó, khi cần, người dân có thể đăng ký mua chung, hoặc liên hệ với địa phương để chuyển đơn hàng đến người đại diện, thông qua đây, đơn hàng mua chung sẽ được địa phương và siêu thị thiết lập.

"Chợ lưu động"

Sở Công Thương TP.HCM mới đây đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi đến những hộ gia đình khó khăn.

Báo cáo từ Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, hơn một tháng qua, TP.HCM đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.

Vẫn theo Tổ Công tác đặc biệt khu vực các tỉnh thành phía Nam của Bộ Công Thương, việc các siêu thị tận dụng khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên trung tâm thương mại để bày bán các quầy hàng giãn cách đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người người mua. Đây là mô hình rất thông minh, cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương khác có dịch, với biến chủng Delta có nguy cơ lây lan nhanh.

Sở Công Thương Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức và bố trí các điểm bán hàng bình ổn, "mô hình mang chợ ra không gian thoáng" và các hình thức bán hàng hợp lý khác… nhằm để phục vụ cho người dân từng khu vực.

Hiện, thành phố đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hoá cũng như giá cả trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, chưa có biến động. 

Làm việc với Sở Công Thương Cần Thơ mới đây, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương ở phía Nam đánh giá cao mô hình "mang chợ ra không gian thoáng" của Cần Thơ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương: Rà soát, đánh giá để mở lại chợ tạm

    Bộ Công Thương: Rà soát, đánh giá để mở lại chợ tạm

    17:51, 05/08/2021

  • Cảng Cát Lái quá tải, Bộ Công Thương hoả tốc “cứu nguy”

    Cảng Cát Lái quá tải, Bộ Công Thương hoả tốc “cứu nguy”

    01:42, 05/08/2021

  • Bộ Công Thương: Đề nghị cảng Cát Lái giảm giá lưu container, lưu bãi

    Bộ Công Thương: Đề nghị cảng Cát Lái giảm giá lưu container, lưu bãi

    19:12, 04/08/2021

  • Bộ Công Thương: Người dân yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách

    Bộ Công Thương: Người dân yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách

    22:41, 02/08/2021

  • Bộ Công Thương đề xuất Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”

    Bộ Công Thương đề xuất Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”

    20:29, 27/07/2021

NGUYỄN VIỆT