TP.HCM: Vì sao F0 tại huyện Hóc Môn tăng cao?
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hóc Môn, TP.HCM, tính riêng từ ngày 23/10 – 5/11, toàn huyện có 6.712 ca F0 qua test nhanh được ghi nhận chủ yếu từ cộng đồng.
Trong tổng số 6.712 ca có 5.773 ca có triệu chứng nhẹ (chiếm 86%), 335 ca tự xét nghiệm (chiếm 5%) và 604 ca tại các công ty, phòng khám tư, bệnh viện... (chiếm 9%). Số ca có dấu hiệu nặng cần chuyển viện là 21 và đã có 4 ca tử vong. Các trạm y tế đã hướng dẫn 6.066 ca cách ly tại nhà, phát 5.106 túi thuốc cho các F0 từ 18 tuổi trở lên.
Các ca test nhanh dương tính hầu hết là ổ dịch tại gia đình (2.592 ổ dịch tại gia đình), 25 ổ dịch cộng đồng. Các ổ dịch cộng đồng này ở khu vực tập trung nhiều F0 cần phải xử lý xuất hiện tại các xã: Xuân Thới Thượng (5 khu vực); Đông Thạnh (5); Bà Điểm (5); Nhị Bình (5); Xuân Thới Sơn (2); Tân Thới Nhì (2); Trung Chánh (1 khu vực).
Lý giải về nguyên nhân F0 trên địa bàn gia tăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hóc Môn cho biết, có nguyên nhân chủ quan, đó là lúng túng xử lý các khu vực phát sinh ca bệnh; xã, thị trấn lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Số lượng F0 cách ly tại nhà khá lớn; tuy nhiên đội giám sát F0 cách ly tại nhà chưa đủ đảm bảo yêu cầu; các trạm y tế lưu động hỗ trợ chuẩn bị rút về khiến nhân lực y tế xã, thị trấn vừa thiếu vừa yếu gây khó khăn trong việc chăm sóc F0.
Bên cạnh đó, sau ngày 1/10, nhiều người dân đi lại, buôn bán nhưng chủ quan, lơ là chống dịch, một số doanh nghiệp không phối hợp, thông báo với địa phương để kiểm soát nguồn lây nhiễm dẫn đến việc F0 từ doanh nghiệp lây cho cộng đồng và ngược lại.
Theo Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, công tác phòng, chống dịch tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi ca F0 còn chủ quan và chưa tuân thủ cách ly chặt chẽ, còn sinh hoạt, làm việc bình thường vì chưa được quan tâm, hỗ trợ an sinh.
Với số lượng ca F0 cách ly tại nhà khá lớn, tuy nhiên đội giám sát F0 cách ly tại nhà chưa đủ đảm bảo yêu cầu giám sát sự tuân thủ của họ và chính quyền địa phương cũng chưa kịp dán bảng cảnh báo tại nhà của các ca F0. Ngoài ra, với nhiều thủ tục hành chính khiến người dân lo ngại, hạn chế sử dụng thuốc Molnupiravir.
Trước diễn biến ca nhiễm mới tăng nhanh, Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn đề xuất Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) hỗ trợ, tăng cường truyền thông tâm lý, thay đổi hành vi người dân để hiểu và thực hiện các biện pháp chống dịch cũng như đồng ý sử dụng thuốc Molnupiravir.
Đối với gói an sinh, Trung tâm Y tế huyện đề xuất UBND xã, thị trấn hỗ trợ F0 để đảm bảo họ cách ly tại nhà. Đồng thời phân công nhân sự giám sát, quản lý F0 cách ly tại nhà và các ổ dịch cộng đồng.
Các trạm y tế xã, thị trấn hỗ trợ quản lý danh sách F0, nắm chắc các ổ dịch gia đình và cộng đồng trên địa bàn; dán bảng cảnh báo tại các nhà F0 ngay khi phát hiện; đẩy mạnh người sử dụng thuốc Molnupiravir để hạn chế tử vong.
Hiện huyện Hóc Môn có 31 trạm y tế lưu động tại 12 xã và thị trấn, lực lượng chủ yếu là của quân y. Khi lực lượng quân y rút, Sở Y tế hỗ trợ 15 trạm y tế lưu động, trong đó có 10 trạm của Bệnh viện Nhi đồng 2 và 5 trạm của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. Đồng thời, mỗi xã và thị trấn phải huy động 1 trạm y tế lưu động tại địa bàn.
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện, Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cũng cho rằng, việc tăng F0 trên địa bàn huyện trong hai tuần qua là bất thường. Có nguyên nhân khách quan là có xã nhân viên trạm y tế nhiễm COVID-19 gần hết. Lãnh đạo huyện Hóc Môn cho biết, sẽ cố gắng kiểm soát dịch trong vòng 10 ngày tới.
“Huyện sẽ chủ động tính toán, sắp xếp các vị trí bố trí khu cách ly tạm tại các xã, thị trấn. Trong đó, xem xét việc sử dụng các trường mầm non để triển khai các khu cách ly tạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến 300 giường và thành lập tổ phản ứng nhanh, tầm soát các điểm có nguy cơ”, ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết.
Cũng tại buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo cần phải thực hiện hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở, khoanh ổ dịch, xét nghiệm, bóc nguồn lây; phải phát hiện sớm F0, giám sát, quản lý, điều trị tích cực để ngăn chặn nguồn lây và kéo số ca nhiễm, ca tử vong hiện nay xuống mức thấp nhất để không phải nâng cấp độ dịch, giãn cách.
“Yêu cầu các lực lượng tham gia phòng, chống dịch phải tiếp tục dốc sức, phân định rõ trách nhiệm, cấp phát ngay thuốc điều trị, phải nghe điện thoại F0 khi gọi đến… nhằm giảm thiểu tối đa ca tử vong, ca mắc mới và trong một thời gian nhất định phải kiểm soát được dịch. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, ngành y tế không nói chung chung mà hướng dẫn cụ thể về F0 theo dõi sức khỏe tại nhà thì liên hệ ai, kèm theo đó là túi thuốc đến nhanh nhất nếu cách ly ở nhà”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM sẽ đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12?
03:30, 05/11/2021
TP.HCM phát động cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo 2021
14:00, 04/11/2021
TP.HCM: Học sinh sẽ đến trường học trực tiếp từ tháng 12?
21:05, 03/11/2021
TP.HCM phát hiện hàng nghìn viên thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu
19:58, 03/11/2021
TP.HCM: 4 bước xử lý F0 tại doanh nghiệp
00:41, 03/11/2021
Người tiêm đủ 2 mũi vaccine quay lại TP.HCM phải cách ly tại nhà 7 ngày
03:07, 02/11/2021