Đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống Covid-19
Việc thường xuyên tiến hành hoạt động đo lường, kiểm định trang thiết bị y tế góp phần đảm bảo chất lượng, tính chính xác, an toàn của các trang thiết bị này khi đưa vào phục vụ phòng chống Covid-19.
>>Đo lường và quá trình chuyển đổi số
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh một cách hiệu quả và để nâng cao chất lượng điều trị cho đội ngũ thầy thuốc, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bệnh nhân tử vong, Việt Nam đã thúc đẩy việc sản xuất, nhập khẩu và đưa vào vận hành, sử dụng nhiều loại trang thiết bị y tế.
Việc bổ sung kịp thời các trang thiết bị y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các y, bác sĩ trong chẩn đoán, đánh giá và tiên lượng người bệnh, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiến hành sản xuất, đặc biệt là nhập khẩu các trang thiết bị y tế phục vụ điều trị Covid-19 về nước đã đặt ra yêu cầu phải quản lý chất lượng của các trang thiết bị y tế này.
Trước thực trạng trên, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế có các giải pháp nhằm tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.
Thậm chí, khi chỉ đạo tại một cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết.
Bởi khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới. Trong tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.
>>Hoạt động đo lường: Nền tảng của quá trình sản xuất
Phó Thủ tướng yêu cầu phải nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất. Theo đó, Bộ Y tế cần rà soát toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.
Bộ Y tế cũng cần phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Có thể thấy, từ nhu cầu sử dụng các trang thiết bị y tế nói chung và máy thở nói riêng để phục vụ việc phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm định, đo lường hiệu quả, tính chính xác, chất lượng của các trang thiết bị y tế là vô cùng cần thiết.
Điều này góp phần đảm bảo việc chẩn đoán, điều trị Covid-19 diễn ra kịp thời, góp phần làm giảm ảnh hưởng của đại dịch tới đời sống, phục vụ cho ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.
Nói một cách chi tiết hơn, nếu như các trang thiết bị y tế trước khi đưa vào phục vụ điều trị Covid-19 được đo lường, kiểm định thường xuyên, định kỳ sẽ giúp các chuyên gia y tế sẽ tiết kiệm được thời gian thực hiện xét nghiệm, nhận kết quả chính xác và nhanh chóng. Đồng thời làm giảm chi phí quá trình xét nghiệm, tăng năng suất cho bệnh viện và phát hiện được triệu chứng của Covid-19 nhanh hơn.
Thông qua hoạt động đo lường, kiểm định trang thiết bị y tế sẽ giúp xác định đúng liều lượng và tính toán bức xạ (khi sử dụng các trang thiết bị y tế có bức xạ) đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các quy trình và phương pháp y tế có thể bị tê liệt nếu không có phương pháp đo lường bởi thiếu đi độ tin cậy, chính xác. Như vậy, có thể thấy đo lường có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động y tế và đảm bảo tính chính xác của kết quả kiểm tra y tế, nhất là trong điều trị Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
Đo lường và quá trình chuyển đổi số
14:40, 10/12/2021
Hoạt động đo lường: Nền tảng của quá trình sản xuất
09:00, 09/12/2021
Mô hình đo lường hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp
11:00, 08/12/2021
Tầm quan trọng của hoạt động đo lường trong một số lĩnh vực điển hình
12:00, 07/12/2021
Hoạt động đo lường giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong xã hội
08:54, 02/12/2021