Bạo hành trẻ em và những “cái chết được báo trước”
Lại lần nữa xã hội Việt Nam rúng động bởi vụ bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành tới tử vong.
>>Bạo hành trẻ em không chỉ là tội ác!
Đủ các lời phân tích, bình luận, nhận xét... đến từ các giai tầng xã hội. Họ soi xét từ “nhân tướng học”, nào là “có đôi mắt cá chày”, “lưỡng quyền cao”, "cánh mũi mỏng hẹp"…, là đàn bà có tướng sát nhân, kèm theo đủ lời nguyền rủa cay độc, cũng như lời khóc thương cho cháu bé xấu số.
Vấn đề đặt ra là dư luận hướng sự chú ý về vụ việc cháu bé, đẩy cao các tình huống, chi tiết liên quan giữa các mối quan hệ cá nhân trong gia đình của cháu. Tiếc thay phần lớn là chỉ để thỏa mãn sự tò mò. Nhiều lời xuýt xoa nào là đánh gẫy roi mây, rồi thay đến gậy gỗ đúng là: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”.
Câu hỏi đặt ra nếu như nhà bên cạnh có tiếng trẻ la hét, khóc lóc thì có mấy ai trong số những người “bồ tát mạng ấy” chạy sang tìm hiểu và can thiệp. Hay chính họ lại lờ đi, viện đủ lý do để bao biện cho sự thờ ơ, vô cảm của mình. Mà lý do chính của số đông là họ ngại sự đụng chạm, phiền hà đến bản thân. Với nhiều người, nỗi đau, tiếng khóc của con trẻ hàng xóm cũng chỉ giống như mèo gào ngoài kia, gào một lúc rồi sẽ nín.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đảo lộn nhịp sống sinh hoạt bình thường, con cái trong thời gian giãn cách ở nhà nhiều, thời gian tiếp xúc với cha mẹ lâu hơn. Sự ức chế về chế độ sinh hoạt, đi lại, sự khó khăn về kinh tế có thể tạo nên cảm giác bức bối cho các thành viên.
Và trẻ em vô tình là nạn nhân gánh chịu sự ức chế này vì chưa đủ tinh thần, sức khỏe, trí tuệ để phản kháng chống lại sự bạo hành. “Giận cá chém thớt”, nên cho dù lỗi nhỏ, hay hành động không vừa ý của trẻ con đều có thể châm ngòi cho cơn giận dữ của người lớn. “Cả giận mất khôn”, bạo hành ở góc độ nào đó cũng có thể bắt nguồn từ đây, đau thương cũng bắt nguồn từ đây - từ một nguyên nhân khách quan.
>>Nâng cao văn hoá kinh doanh nhìn từ vụ chủ shop quần áo bạo hành nữ sinh
Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển theo nhịp nhanh, nóng. Dường như khi các nhu cầu hưởng thụ tăng vọt thì sự gắn kết sợi dây tình cảm trong gia đình cứ lỏng lẻo dần đi? Dường như sức ảnh hưởng, tầm quan trọng của các thành viên trong gia đình không quan trọng bằng các sở thích, nhu cầu cá nhân? Dần dần hình thành lên tính ích kỷ, đến xấu xí trong con người.
Nhiều cặp vợ chồng hậu ly hôn, không thể coi nhau như bạn cũ mà coi nhau như kẻ thù, dẫn đến việc cấm đoán gặp gỡ, qua lại chung tay vì con cái. Họ không cần biết đến nhu cầu về tình cảm, tâm lý của đứa con chung từng được sinh ra thủa còn êm ấm, mặn nồng…
Với nhiều cặp vợ chồng, họ coi việc chia tay nhau nhẹ nhàng và đơn giản như thay bộ quần áo, không hề quan tâm đến con cái sẽ có cuộc sống sau này ra sao? Chắc chắn tương lai sẽ còn những trường hợp tương tự nếu như mỗi người chúng ta không dừng, phanh khẩn cấp lại ngay lập tức các hành động bạo hành trẻ em của chính bản thân, bỏ ngay sự vô cảm, có trách nhiệm hơn với con trẻ, dám coi những đứa trẻ bị bạo hành như con cháu của mình, có hành động ngay và luôn đối với những hành động bạo hành mà mắt thấy tai nghe.
Sự tuyên truyền về luật pháp, chế tài xử tội với hành động bạo hành trẻ em cần được chú trọng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Nếu không nỗi đau, tiếng khóc của trẻ con sẽ còn vang xa, ngân dài, còn cánh cửa nhà tù sẽ từ từ hé mở đón những kẻ bạo hành, xã hội sẽ còn thêm nhiều nỗi buồn đau.
Cháu bé mất rồi, còn lại nỗi đau thương cho người thân cần xoa dịu, còn lại hình thức xử lý thích đáng với kẻ thủ ác.
Luật Bảo vệ Trẻ em với đủ ban bệ thành phần vẫn không bảo vệ kịp cháu bé. Mẹ bé và gia đình không cứu kịp cháu bé. Phản ứng chậm chạp của lương tâm chúng ta không cứu kịp cháu bé. Và các y bác sỹ cũng không cứu kịp cháu bé… Chúng ta đã thua trước những cái "chết được báo trước".
Chỉ mong sao cái chết của cháu bé không vô ích mà đánh thức được các hoạt động bảo vệ trẻ em. Chỉ mong sao, qua vụ việc này, chúng ta không còn ám ảnh bởi những cái chết thương tâm, không còn vô tâm khi nhận ra đâu đó rất gần mình có tiếng khẩn cầu từ con trẻ đáng thương. Hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của đứa trẻ bị bạo hành để thấu cảm, để bàn tay không ngần ngại chìa ra nắm lấy một bàn tay. Đừng làm buồn chính bản thân bằng chính sự vô tâm, vô cảm đến hèn nhát của chính mình.
Vĩ thanh
Kẻ thủ ác phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật sẽ là tấm gương cảnh tỉnh cho mọi người. Nhưng cũng cần một cái nhìn khách quan cho những người mẹ kế, bởi thực tế đã có không ít đứa trẻ khôn lớn và trưởng thành nhờ bàn tay cùng tình thương yêu của “người mẹ đến sau” – đó là những người có trái tim nồng hậu, ấm áp yêu thương, khác hẳn với cái tên lạnh lẽo mang tên “dì ghẻ”.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao văn hoá kinh doanh nhìn từ vụ chủ shop quần áo bạo hành nữ sinh
13:03, 04/12/2021
Bao giờ thầy thuốc hết bị "bạo hành"?
05:00, 05/08/2021
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần nghiêm trị hành vi bạo hành phụ nữ
06:28, 30/08/2019
[64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam] Khi nào hết nạn bạo hành nhân viên y tế?
11:00, 27/02/2019
Bạo hành trẻ em không chỉ là tội ác!
11:00, 23/02/2019