Hà Nội cho thuê vỉa hè: Lo không còn chỗ cho người đi bộ
TP Hà Nội chấp thuận cho một số doanh nghiệp sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh.
>>Cận cảnh dự án hàng nghìn tỷ đồng “đại tu các vỉa hè” tại Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 14233/VP-ĐT đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính về việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Vị trí sử dụng theo quy định là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng một. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời hè phố với 45.000 đồng/m2/tháng.
Trước đó UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất cho phép thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh, gồm các phố: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu.
Thời gian hoạt động từ 6 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
>>“Căn bệnh” lãng phí: Hà Nội và hành trình 10 năm “thay áo” cho vỉa hè
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện các tuyến phố của quận đang xảy ra tình trạng lấn chiếm, kinh doanh trái phép tự phát không được quản lý, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Quận Hoàn Kiếm cho rằng việc tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh trên hè phố sẽ lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; phát huy giá trị văn hóa của quận và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phạm Hoài Chung ủng hộ việc cấp phép tạm thời ở những đoạn tuyến vỉa hè đủ điều kiện về an toàn giao thông để kinh doanh dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế cho Thủ đô. Nhưng cần giám sát chặt, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” gây mất mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, mục tiêu cho thuê vỉa hè để kinh doanh dịch vụ như quận Hoàn Kiếm đề xuất nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm, kinh doanh trái phép tự phát, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự ATGT và vệ sinh môi trường là chưa rõ ràng.
Bởi năng lực quản trị công sản của các cấp chính quyền từ phường đến quận ra sao, đều đã được thể hiện rõ trong những ngày cuối năm này, khi hiện tượng lấn chiếm vỉa hè làm hàng quán, chỗ đỗ xe xảy ra rất nhếch nhác và phổ biến.
“Tôi chỉ ủng hộ một phần, nếu đảm bảo không gian cho người đi bộ. Còn kinh doanh không còn chỗ cho người đi bộ nữa thì sai hoàn toàn. Ông Chủ tịch phường phải chịu xử lý kỷ luật, không thể yên vị ngồi đấy còn người dân chịu thiệt hại được”, ông Phan Lê Bình nói.
Vẫn theo chuyên gia Phan Lê Bình, một điểm cần làm rõ trong đề án thí điểm của Quận Hoàn Kiếm, đó là ai sẽ được ưu tiên sử dụng một phần vỉa hè. Đơn vị quản lý nên gắp thăm hoặc đấu thầu thay vì chỉ định thầu, gây thắc mắc về sự minh bạch trong quá trình thực hiện.
Đánh giá về việc Hà Nội chấp thuận cho thuê vỉa hè để kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chuyên ga giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc biến vỉa hè thành nơi kinh doanh nếu theo Luật giao thông là không được.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi cuộc sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, nếu nơi nào vỉa hè rộng 3-4m trở lên thì có thể dành một phần để người dân kinh doanh. Nhưng quan trọng là phải dành từ 2m trở lên để cho người đi bộ, vì vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải là nơi để kinh doanh và nơi để phương tiện.
Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, muốn kinh doanh thì phải có những điều kiện nhất định. Tức là những vỉa hè phải rộng và quy định rõ diện tích nào được dùng kinh doanh. Quan trọng nhất để cho người đi bộ, diện tích nào có thể để phương tiện, còn hiện nay vỉa hè của Hà Nội rất lộn xộn, gần như là 80-90% là người đi bộ không đi được.
Cho nên để lập lại trật tự, giải tỏa vỉa hè thì chính quyền phải cương quyết, không nên coi vỉa hè là của mình. “Ngay như khu phố chỗ tôi, nhiều đoạn vỉa hè bị ngăn lại, trồng cây cảnh hoặc để xe một cách tùy tiện, không có ai xử lý cả. Theo tôi, lực lượng chức năng nhất là công an phường, công an quận phải giải tỏa vỉa hè mà người dân dùng cách tùy tiện, không đúng chức năng, sai pháp luật”, ông Thủy bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cận cảnh dự án hàng nghìn tỷ đồng “đại tu các vỉa hè” tại Hà Nội
04:50, 06/08/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Hà Nội và hành trình 10 năm “thay áo” cho vỉa hè
04:20, 04/08/2021
Từ 17h hôm nay, Hà Nội tạm dừng quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè
14:19, 03/05/2021