CẢM XÚC XUÂN: Mong hết dịch để được đi nhà sách
Mua sách online – Điều mà tôi chưa hề nghĩ trước đây lại đến trong mùa dịch.
Lên mạng Internet chọn sách không thú vị chút nào so với đến tận nơi, nhưng đành phải chấp nhận.
Thay đổi một thói quen là một điều không dễ dàng nhưng phải chấp nhận vì tình hình dịch bệnh - Tạm an ủi như thế để tra cứu, tìm kiếm sách trên Internet. Đầu tiên là chọn thể loại, tác giả mình thích sau đó là đến những trang web tin cậy để đặt mua hàng. Thế rồi là chờ đợi!
Khoảng thời gian được cầm trên tay quyển sách mình chọn thật là dài bởi không gian và khoảng cách giao hàng. Có được quyển sách rồi có khi ưng ý nhưng đôi khi thất vọng bởi nội dung không được như trong phần giới thiệu sách trên mạng. Thế mới biết giữa hư và thực thật là khác biệt!
Mong cho hết dịch để được đến những không gian sách - Đó là mong mưốn của mọi thành viên trong gia đình. Chúng tôi có thể dạo quanh nhà sách cả buổi mà không thấy chán.
Trong thời dại 4.0 hiện nay, việc tải những E-book về máy tính để đọc hay đọc online tiết kiệm hơn nhiều so với việc đến nhà sách để mua những quyển sách mà mình thích. Nhưng đọc sách trên các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực và các vấn đề sức khỏe khác so với việc đọc trên bản giấy.
Cái cảm giác cầm trên tay những quyển sách, lật từng trang, đọc từng dòng dòng để rồi so sánh, chọn lựa với những quyển đã có trong tủ sách gia đình rồi mới đi đến quyết định cuối cùng là có mua hay không!
Có đôi khi tìm quyển sách này nhưng lại có được những lựa chọn khác, nhiều khi hay hơn và độc đáo hơn. Hiếm khi nào mà rời nhà sách mà không có một quyển sách mới trong tay. Tủ sách gia đình được bổ sung thêm những quyển sách hay với nhiều đề tài khác nhau để làm phong phú thêm kiến thức cho cả nhà.
Những lần đi hội sách thật sự là những ngày hội với các con tôi vì được biết thêm những hoạt động song hành cùng văn hoá đọc. Ở một góc độ khác, đến nhà sách hay hội sách là những trải nghiệm thú vị để có thêm thông tin chia sẻ cùng những em học sinh yêu thích đọc sách và khao khát được tận hưởng văn hóa đọc như trẻ em vùng quê tôi.
Với những đầu sách hiện nay được trang bị trong thư viện phần lớn là sách tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học nên để có được những quyển sách để giải trí là một điều xa xỉ.
Công tác xã hội hóa của nhà trường chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu. Mỗi khi thư viện lưu động đến để phục vụ là những ngày hội thực sự với các em. Tuy nhiên những hoạt động như thế thật là hiếm hoi.
Để giải tỏa cơn khát sách, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường đến những nhà sách lớn ở tỉnh hay thành phố tìm mua những quyển mà con em mình thích còn phần lớn các em mượn của bạn bè, người thân hay thầy cô.
Tôi luôn nhớ mãi đến những quyển sách thiếu nhi sờn gáy, rách bìa của mình được các em chuyền tay nhau đọc và khi trả lại cho thầy thì lúc nào cũng thấy nuối tiếc!
Trong những tiết dạy, thỉnh thoảng tôi giới thiệu đến các em những tác phẩm hay để các em có thêm sự chọn lựa cho niềm đam mê của mình.
Văn hoá đọc phải được thẩm thấu dần dần và rất cần những người truyền cảm hứng. Thầy cô nên hướng dẫn các em những phương pháp đọc sách, những hoạt động song hành cùng văn hoá đọc. Cha mẹ nên dành những ngày nghỉ đưa con đến nhà sách hay hội chợ sách, tư vấn cho các cháu để có được những quyển phù hợp với lứa tuổi cũng như giúp con xây dựng nên tủ sách cho riêng mình là những việc làm có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm và có thêm kinh nghiệm trong việc tương tác văn hóa đọc cùng con trẻ.
Những cách làm khoa học và hiệu quả từ các bậc cha mẹ và thầy cô sẽ giúp con em mình nâng chất văn hóa đọc về chiều sâu lẫn chiều rộng để làm nền tảng cho sự phát triển và lan tỏa trong tương lai.
Hi vọng dịch COVID-19 chóng qua mau để cả nhà tìm lại được niềm vui cùng văn hoá đọc trong không gian sách đa sắc màu của những nhà sách thân quen trong không khí của một mùa xuân an lành và ngập tràn hạnh phúc.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
05:00, 27/12/2021