CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
Vậy là thêm một cái Tết đặc biệt trong dòng chảy cuộc sống của người dân nước Việt cũng như của nhân loại.
>>CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết
Tuy may mắn hơn việc phải đón Tết trong cảnh chiến tranh loạn lạc, bom rơi đạn nổ…, nhưng việc đón Tết với cái bóng u ám của dịch bệnh COVID-19 sẽ thành cảm giác đặc biệt trong một chương của cuốn sách cuộc đời mỗi người.
Tôi nhớ giữa giao thừa năm 2020 trời chuyển sấm chớp và đổ mưa tầm tã, có cả những hạt mưa đá như điềm báo bất thường và rồi… dịch bệnh COVID-19 đến.
Tết đến cùng mùa Xuân mang theo bao hy vọng tươi đẹp. Thời điểm này, người dân chỉ ước muốn ấy cuộc sống sẽ trở lại bình thường như xưa, để lại có không khí háo hức khi chờ Tết, có cảm giác bận rộn, tất bật mua sắm những ngày cuối năm, đi chợ hoa ngắm nghía chọn đào, chọn quất…
Và rồi cả nhà được ngồi bên mâm cơm với bao món ăn ngày Tết, kể cho bọn trẻ nghe chuyện của ngày xưa. Chuyện Tết của trẻ con thời của tôi, sống nơi vùng quê thuần nông của phía Đông đồng bằng Bắc Bộ trong những thập niên tám mươi của thế kỷ.
Nem rơm trong ký ức của tác giả.
Và cho đến giờ, món ăn ngon nhất tôi từng được ăn vẫn là món nem rơm của bố tôi làm vào mỗi dịp Tết đến. Tôi vẫn áy náy do chưa làm được món nào để con tôi ăn, cho con nhớ mãi đến sau này như tôi từng nhớ về bố mình.
Thời ấy cuộc sống thiếu thốn, “cơm có thịt” là giấc mơ xa xôi, nên chúng tôi háu ăn, háu đói... mong Tết vô cùng. Tết có quần áo mới, có tiền mừng tuổi, có những món ăn nghĩ đến thôi đã chảy nước miếng...
Áp Tết, lúa gặt xong, thóc ngủ yên trong bồ. Trong cót còn phần thân xác là những sợi rơm bắt đầu phát huy giá trị của mình. Cây lúa ủ hồn cốt tinh túy của trời đất, của phù sa châu thổ mỡ màng với bao vất vả “một nắng hai sương”, mồ hôi chát mặn của nhà nông, kết thành hạt lúa vàng ươm, sáng như ánh mặt trời, ánh lên màu vàng no ấm. Đến phần xác còn lại cũng có ích “lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm” ủ ấm và hữu dụng cho xóm làng.
Rơm bện chổi quét nhà, rơm cho trâu, bò ăn, rơm làm đồ thổi cơm, rơm lót ổ gà, rơm làm ổ lợn, rơm làm bù nhìn đuổi chim trên ruộng, rơm ủ ẩm làm nấm rơm trắng ngà thơm ngọt, rơm làm nệm ấm êm cho người ngủ ngăn gió lạnh mùa đông. Ngày xưa người quê quý rơm, dùng rơm cho nhiều việc. Các phần của cây lúa, cây ngọc thực ấy không hề bị bỏ đi bất cứ một phần nào.
Thích nhất là ngày “đụng lợn”, con lợn nuôi từ đầu năm chỉ ăn cám bã, chuối bèo, thịt chắc mây mẩy, luôn réo đòi ăn eng éc. Con lợn ấy ngả ra mấy nhà chung nhau “đánh đụng” là có một cái Tết thật ấm bụng, nhờn môi...
Bọn trẻ chạy theo những bước chân huỳnh huỵch của người khiêng lợn, tung tăng hò hét vang trời, tranh nhau để được chân sai vặt, sung sướng khi được thưởng khúc đuôi lợn, xuýt xoa vừa thổi vừa ăn miếng bong bóng lợn, dai như kẹo cao su, hay miếng “đầu giò” thẫm xanh màu lá chuối, vừa ngậy, vừa ngọt ấm cả trời đông.
>>“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
Tôi hồi hộp chờ xem bố làm nem, bó rơm nếp bà cụ Ấm cho được cất kĩ trên gác bếp nay được hạ xuống. Những thân rơm mập mạp vàng óng được tước lớp vỏ ngoài, chỉ giữ phần lõi vàng và phần đầu bông đã tuốt hết thóc. Bó rơm này bà cụ Ấm làm riêng cho bố tôi. Cụ lấy kẹp tre chữ V tuốt từng bông thóc nếp cái hoa vàng, từng hạt thóc bắn tung ra như vàng rơi, bạc rụng, còn lại là phần rơm thẳng như kẻ chỉ, không bị mềm hay rối. Từng sợi rơm thơm thơm được bà nâng niu bó lại rồi đem cho ông giáo làm nem.
Con lợn ngả ra, bố tôi chọn phần thịt nạc còn tươi nguyên nóng hổi. Miếng thịt dẻo mà không dính, chắc nình nịch. Bố tôi pha thịt thành miếng nhỏ, cho vào cái chậu đồng bóp đều với tỏi. Khá nhiều tỏi, loại tỏi ta nhánh nhỏ nhưng chắc và thơm.
Tỏi chỉ bóc vỏ đập dập rồi bóp đều với thịt, cho đến khi mềm thịt ra, thì bố tôi lấy hạt tiêu bắc loại tiêu của anh Tuy - bạn anh trai tôi gửi từ Phú Quốc ra biếu nhà ăn Tết, rang chín, đập dậm dạp rắc vào. Chút nước mắm cốt Cát Hải, mới mở nắp chai đã thơm nức nở, được bố cẩn thận rưới lên cho ngấm thịt, rồi lại bóp đều.
Xong xuôi, bố tôi mới túm từng nắm rơm buộc lại hai đầu, rồi banh phần giữa xếp thịt đã ngấm tỏi và tiêu vào trong rồi dàn lại bó rơm, buộc lại lần nữa, trông cái nem y như bà bù nhìn rơm có chửa. Bố xếp nem vào sảo tre rồi gác lên dàn bếp. Mùa lạnh dàn bếp có khói cùng hơi nóng sẽ giúp nem nhanh chín hơn.
Suốt mấy ngày Tết no nê với bánh chưng, giò chả, thịt đông… trôi qua, thì những ngày sau, chỉ khi có đoàn khách quý của họ hàng, hay khách đồng nghiệp của bố đến chơi, bố mới hạ nem rơm.
Cứ khi nào tôi được sai ra vườn hái lá lộc là chắc chắn sẽ được ăn nem. Ăn kèm nem phải có đủ các loại lá: đinh lăng, sung, sắn, húng quế, tía tô, mùi tàu, cúc tần, vọng cách… Cả một rổ rau lá lộc xanh mướt bên mâm, ớt chín đỏ tươi, chai rượu trắng nếp cái hoa vàng Đại Thắng trong vắt.
Bố tôi hạ từng chiếc nem xuống, tách mở phần bụng nem ra, ngay lập tức mùi thơm quyến rũ có lẫn mùi tỏi, mùi tiêu bắc thơm cay, mùi rơm thơm dịu tỏa ra đến ứa nước miếng. Bố tôi trải ra chiếc đĩa sứ men xanh. Những miếng nem vẫn tươi màu lẫn với tỏi trắng ngà, lấm tấm tiêu bắc xanh đen trông đã thấy ngon. Bố tôi chỉ rắc nhẹ một lớp thính gạo màu vàng nhạt lên trên để tạo màu, chứ không bóp đều thính với nem. Bố bảo nhiều thính thế nó bị lạc vị, chỉ rắc thế thôi.
Gắp miếng nem chấm vào bát mắm chắt, vị mặn ban đầu còn sau là ngọt hậu vị, miếng nem lúc đầu nhai hơi dai, thoáng chút vị chua nhẹ quyện với vị tỏi. Nhai đến miếng thứ hai thì vị ngọt tươm ra ấm hết cả miệng, nhai cậc cái vào hạt tiêu bắc giã rối thì cay ran lên thông hết cả mũi họng.
Các chú các bác khách thì nâng chén chúc tụng rồi mời nhau nhấc đũa, cầm bát. Còn tôi thì dù miệng xuýt xoa vì cay vẫn chén tì tì. Lá sung chan chát, lá cúc tần bùi bùi, lá đinh lăng đăng đắng ăn kèm để hãm vị ngậy của miếng nem.
Thịt được chín bằng men vi khuẩn, bằng nhiệt khói bếp, bằng tỏi, bằng tiêu thành vị nem thanh dịu, béo mà không ngấy, ngọt mà đá tí chua, lại có nước mắm thơm ngon dẫn vị. Quả là đến bây giờ chả có món ăn nào làm tôi ấn tượng bằng món nem rơm của bố.
Để rồi Tết nào cũng về cùng với tôi trong nỗi nhớ hương vị nem rơm.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.