CẢM XÚC XUÂN: Lô tô - Nhớ kỷ niệm một thời

LÊ TẤN THỜI (Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, TT Chợ Mới, huyện Chợ Mới, An Giang) 25/01/2022 05:00

Trên dọc đường du xuân, những gánh lô tô gợi cho tôi biết bao kỷ niệm của những cái Tết thời thơ ấu.

Thuở ấy, mỗi khi có đoàn lô tô về là cả xóm vui như mở hội bởi đơn giản là ở vùng nông thôn dịch vụ giải trí vẫn còn rất khiêm tốn so với chốn thị thành.

Thường là buổi tối mới bắt đầu, nhưng ai nấy cũng tranh thủ chuẩn bị từ giữa trưa để không bỏ lở dịp vui thư giãn cùng gánh hát ngàn hoa này.

Thích thú điểm danh 5 trò cứ-Tết-là-phải-chơi

Lô tô là một trong những trò chơi của Tết xưa.

Sân khấu nghiệp dư được dựng lên ở bãi bồi ven sông để những người dân trong xóm được tham gia trò chơi dân gian với những giai điệu mộc mạc nhưng có vần có điệu.

Nghĩ cũng lạ, thay vì kêu lên những con số khô khan để người chơi dò theo và đánh dấu, người rao lại lồng vào đó những ca từ của bolero, dân ca, vọng cổ... để tạo nên sự thi vị, hấp dẫn, vui nhộn để thu hút người chơi.

Này nhé:

“Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa. Không ngọc ngà kiệu hoa, không nệm gấm không cung son. Tôi chỉ là người khách xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa, con số Ba!”

Hay:

“Sông sâu bên lở, bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai, con số Hai!”

Không những thế, người kêu lô tô còn vận dụng cả Truyện Kiều của Nguyễn Du vào những con số đễ lôi cuốn và thu hút người nghe:

"Kiều đi tảo mộ

Tao ngộ chàng Kim

Chắc có tiền duyên

Dạ liền thương cảm

Là con số Tám"

Phần thưởng cho những người thắng trong những ván lô tô đơn giản chỉ là mấy kí đường, vài hộp sữa, khá hơn nữa là một chiếc quạt máy, nhưng ai nấy đều vui vẻ.

Lô tô xuất phát từ đâu? Có người cho rằng đây là một phiên bản của bài chòi ở miền Trung và trong quá trình đi mở cỏi ông cha ta đã cải biên để có thú giải trí cho vơi nỗi nhớ nhà.

Cũng lại có một cách lí giải khác đó là xuất phát từ trò chơi Bingo của Ý và được người Pháp du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 18. Một kiến giải khảc theo các nhà ngôn ngữ học là bắt nguồn từ trò Jeu de loto của người Pháp.

Cho dù nguồn gốc là thế nào đi nữa thì trên những tấm giấy hình chữ nhật có in hình những con số với ba hàng chữ số, mỗi hàng có năm con số khác nhau và trong quá trình chơi, từ các con số đã hô, người chơi nào có đủ năm con số cùng một hàng ngang là “kinh” tức là thắng cuộc.

Các tay con khi được 4 con rồi, chỉ chờ ra con cờ thứ 5 là kinh, khi ấy trong bụng hồi hộp sợ kẻ khác thắng nên trống ngực đánh liên hồi và trống bụng đánh càng gấp rút hơn nữa thế là câu nói “bụng kêu lô tô” ra đời và đi vào phương ngữ dân gian.

Với tôi những buổi tham gia trò chơi dân gian này mãi mãi là những kỷ niệm khó phai trong đời. Lân la theo những anh chị trong đoàn, tôi biết được thêm những câu chuyện của những diễn viên trong đoàn lô tô. Vì mưu sinh mà họ phải chấp nhận cuộc sống bấp bênh, rày đây mai đó. Nhiều người có hoàn cảnh éo le và có đôi khi sống bất cần đời.

Hồi nhỏ, chừng mười tuổi được làm bạn với những người rày đây mai đó, với những câu chuyện góp nhặt từ nơi chốn họ đi qua làm cho cuộc sống thôn quê trở nên sống động.

Tôi không biết họ từ đâu đến, rồi họ sẽ đi đâu, những đôi chân ấy tiếp tục lặn lội đến đồng sâu, xóm vắng nào nhưng rồi như một vòng tròn họ lại quay về nơi xóm nghèo quê tôi với những tiếng kêu lô tô như những âm thanh thân quen mà dường như tôi đã thuộc lòng.

Giờ đây, mỗi lần về quê ngoại, ngồi bên thềm nhà, tôi chợt nhớ đến những con cào cào, chim sâu thắt bằng lá dừa của những ngưòi anh, người chị trong đoàn lô tô tặng cho mình hay câu vọng cổ nghe buồn não lòng của những chú trung niên.

Qua những câu chuyện của họ, tôi hiểu được rằng: Cuộc sống quả phức tạp hơn mình suy nghĩ, tuy nhiên cần phải sống thế nào mới là điều quan trọng.

Năm tháng trôi qua nhanh, lô tô giờ đây chịu ảnh hưởng rất nhiều của những loại hình giải trí hiện đại trong kỷ nguyên số nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của một trò chơi dân gian được nhiều người biết đến. Lô tô đã và đang tạo nên một nét chấm phá mộc mạc trong hương sắc vùng quê mỗi dịp xuân về.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

LÊ TẤN THỜI (Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, TT Chợ Mới, huyện Chợ Mới, An Giang)