CẢM XÚC XUÂN: Nhà Hùm đón tết
Bà Hùm xoay xoay ngắm ướm chiếc áo dài nhung đỏ trước gương. Còn ông Hùm căn chỉnh cắm cành đào vào chiếc lọ lộc bình...
>>CẢM XÚC XUÂN: Phút giao mùa
Ông Hùm nằm ngả người thư thả bên cạnh chiếc bàn trà tỏa hương thơm ngát. Làn khói ấm tỏa ra từ cái lư trầm quyện với hương trà vấn vít vào nhau, cuộn quanh đĩa mứt quả truyền thống mà bà Hùm làm theo kiểu “handmade”. Thi thoảng ông lại đẩy cái kính lên cao cho khỏi trễ xuống mũi, chăm chú đọc tờ Tạp chí Xuân của Diễn đàn Doanh nghiệp gật gù đầu ra vẻ hài lòng lắm.
Bà Hùm thì loay hoay hết lên nhà lại xuống bếp, đóng đóng, gói gói, mồm lẩm nhẩm:
- Bánh chưng cho cái út Cọp vằn này. Kẹo mứt cho anh cả Cọp xám này. Còn chỗ thịt đông, hành muối, kiệu muối cho gái xinh Cọp vàng này… Ông ơi, năm nay chắc chúng nó khó mà đông đủ. Tôi làm sẵn rồi gửi đồ cho các con ăn Tết. Tôi gửi cho các con toàn đồ truyền thống. Năm nay đại gia đình mình gặp mặt đầu xuân trực tuyến thôi ông ạ. Ông có ra phụ tôi tí không? Cứ nằm mà đọc báo, ăn đồ ngọt, rồi huyết áp nó lên đấy.
- Bà đợi tôi một tí, đang đọc bài báo hay quá… Đấy, dịch bệnh COVID-19 cam go như thế mà kinh tế vẫn tăng trưởng được, tốc độ tiêm phủ vaccine vào hàng nhanh trên thế giới. Gì thì gì lãnh đạo vẫn quan tâm và chăm lo sức khỏe người dân, song song là “thích ứng linh hoạt” đảm bảo không làm “đứt gãy chuỗi cung ứng”, không làm suy thoái kinh tế. Nếu để kinh tế suy thoái nhiều nhà năm nay sẽ mất Tết. Có giận là giận lũ tham lam “ăn như hùm đổ đó", lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân. Nhiều quan chức đạo mạo, giám đốc các kiểu, đến cả giám đốc CDC cũng “cáo mượn oai hùm”.
- Ông có xuống nhanh hộ tôi không thì bảo? Tôi chả quan tâm đến bản báo cáo tổng kết năm của các ông, toàn các ông khôn "tọa sơn quan hổ đấu”, đợi ngã ngũ rồi mới nhảy ra chia phần. Nhớ là “cọp chết để da, người chết để tiếng”. Ăn hết bao nhiêu, ở hết bao nhiêu để rồi lòng tham mờ mắt, vào trại rồi tiền của ai tiêu? Có xuống vớt hộ tôi mấy cái giò không thì bảo nào?
- Đây đây! Tôi xuống ngay đây. Tí còn phải kiểm tra lại mạng kẻo hẹn với các con livestream đón giao thừa lại bị trục trặc.
- Thật là, tôi nhớ mấy đứa cháu quá. Dịch bệnh làm cho việc bà cháu gặp mặt khó khăn như thế này. Đành cố làm những thứ chúng thích rồi gửi cho vậy. Mấy cu cậu thì đang tuổi lớn “nam thực như hổ”. Nhớ chúng quá ông ạ. Hay ông gọi điện thoại cho tôi nói chuyện tí.
>>CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?
Ông Hùm vểnh râu gắt lên:
- Ơ hay, gọi gì giờ này, chúng nó đang học online giờ này đấy. Bây giờ tốt nhất là 5K cho tốt. Tụ tập đông người khác nào rước “nanh hùm, nọc rắn” vào nhà. Sang năm xuân mới chắc chắn sẽ ổn hơn, tiêm phủ vaccine rồi đạt miễn dịch cộng đồng là “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” ngay.
Bà Hùm nguýt ông Hùm một cái dài như đuôi sao chổi:
- Già rồi sắp nấu cao hổ cốt được rồi còn bày đặt tình yêu. Tôi là vẫn còn nhớ chuyện ngày xưa đấy, hồi tôi đẻ con út... Tôi đúng là “thả hổ về rừng”.
Ông Hùm lại lảng sang chuyện khác:
- Tôi vừa đọc báo có mấy người quen cũ vừa dính vào lao lý, quả là “Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Trông không đến nỗi mà giờ cũng thành “củi vào lò”.
Rồi ông ngâm nga:
"Râu hùm hàm én mày ngài.
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao".
Tự nhiên bà Hùm lại bắt theo mạch chuyện của ông Hùm.
- Tôi thì còn muốn củi gộc, sâu chúa cũng vào lò cho tiệt giống ác đi. “Hùm dữ cũng chả ăn thịt con”, thế mà có kẻ ăn không từ cái gì. Nhiều người thì “miệng hùm, gan sứa”, thấy ai đó ngã ngựa thì xâu xúm vào cắn xé, nhưng gặp quả làm to “dữ như cọp” thì lại “thin thít như thịt nấu đông". Đúng là “mèo tha miếng thịt thì gào, hùm tha con lợn thì nào thấy ai?”. Anh hùng rơm cho mồi lửa thì hết cơn anh hùng.
- Ấy, vụ này bà nói đúng đấy. Có đầy tay tham lam nhưng toàn dạng “ki cóp cho cọp nó xơi”. Tiền của ăn được trên nỗi đau của đồng loại, ăn theo dịch bệnh không bền lâu được. Lò bây giờ lửa cháy to, ngập cả ấy là kế “điệu hổ ly sơn” để bắt sạch làm củi đấy. Bao nhiêu tay “bán chó, buôn hùm” nghĩ không ai làm gì được mình dám “vuốt râu hùm, xỉa răng cọp” thì ăn đủ. Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu. Đến khi hùm thức đầu lâu chẳng còn. Hùm bây giờ thức giấc rồi. Nhất là sang xuân mới Nhâm Dần bà nhỉ. Bây giờ cuộc chiến đốt lò không còn là “mãnh hổ nan địch quần hồ” nữa, mà chỗ nào cũng có những “hổ tướng” sẵn sàng “săn sói”. Rồi sẽ nối tiếp truyền thống “hổ phụ sinh hổ tử” giữ sự bình an, thịnh trị cho quê mình.
- Ông nói phải đấy. “Thời thế tạo anh hùng”, rồi sẽ xuất hiện những anh hùng “bạo hổ bằng hà”, sẵn sàng vào hang bắt cọp cho xuân về thật an vui.
Chợt có tiếng chuông cửa, bà Hùm lao vội tay ra mở cửa. Mặt bà chợt chững lại vì không phải là con cháu về như bà mong, thay vào đó là nụ cười thân thiện của cô bé giao hàng:
- Dạ cháu chuyển cho hai bác. Đây là cành đào, chiếc áo dài, hương trầm… cùng các quà Tết của các con bác gửi. Nhờ hai bác kiểm tra và nhận hàng giúp cháu.
Hai ông bà Hùm lật đật ra kiểm hàng, nhận quà Tết từ các con. Nét mặt ông bà tươi hơn hẳn. Bà Hùm thì xoay xoay ngắm ướm chiếc áo dài nhung đỏ trước gương. Còn ông Hùm thì căn chỉnh cắm cành đào vào chiếc lọ lộc bình. Trên màn hình ti vi, cả đàn trẻ em mặc áo đỏ đang nhảy múa tung tăng theo nhịp điệu bài hát “xuân xuân ơi xuân đã về”…
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
CẢM XÚC XUÂN: Phút giao mùa
04:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Mong sau Tết được đến trường dạy và học trực tiếp
03:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
06:31, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết
05:00, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Anh sắp về chưa?
04:00, 21/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?
05:00, 19/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết đơn giản trong suy nghĩ giản đơn
05:00, 18/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Mong hết dịch để được đi nhà sách
04:04, 16/01/2022
“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
02:00, 09/01/2022