Biến chủng Omicron không "trốn test nhanh"

NGUYỄN VIỆT 05/03/2022 00:36

Mọi người đang “truyền tai” nhau, biến chủng Omicron "trốn" test nhanh". Tuy nhiên, nhận định này không đúng.

>>Mua thuốc điều trị COVID-19: Đừng để việc “dễ” thành “khó”!

Nhiều người có triệu chứng Covid-19 song test nhanh âm tính do nhiều nguyên nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, hiện nhiều người có triệu chứng Covid-19 rõ ràng như ho, đau rát họng, người gai rét, ớn lạnh, song test nhanh nhiều lần đều âm tính trong khi xét nghiệm PCR dương tính.

Cán bộ y tế lấy mẫu test nhanh COVID-19.

Cán bộ y tế lấy mẫu test nhanh Covid-19.

Bác sĩ Hà nhận định: "Biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế trong cộng đồng, song kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus 'trốn' test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác".

Thứ nhất, độ nhạy của phương pháp xét nghiệm. Kit test nhanh có độ nhạy kém hơn xét nghiệm PCR, vì vậy nồng độ virus trong cơ thể phải cao thì test nhanh mới phát hiện dương tính.

Trong khi đó, kỹ thuật xét nghiệm PCR phát hiện các đoạn gene (RNA) virus trong mẫu bệnh phẩm từ người bệnh hoặc người nghi nhiễm, sau đó sao chép và nhân lên gấp nhiều lần để tìm kiếm virus. Do đó xét nghiệm PCR độ nhạy cao hơn test nhanh.

Thứ hai, chất lượng kit test. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại test nhanh của nhiều hãng nhiều nước sản xuất, độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại khác nhau. Người dùng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... thì khi test sẽ cho kết quả sai lệch.

Thứ ba, kết quả xét nghiệm nhanh phụ thuộc thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu. Ví dụ, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, bạn có thể đã nhiễm song tải lượng virus trong cơ thể còn thấp. Lúc này lấy mẫu test, khả năng kết quả âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để kit test có thể phát hiện.

Ngoài ra, khi tự test, bạn có thể thực hiện sai thao tác, kỹ thuật lấy mẫu và quy trình test. Trong gia đình, người già và trẻ nhỏ không tự lấy được mẫu thì người khác có thể hỗ trợ.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, câu hỏi "có phải test nhanh không phát hiện được Omicron" đang còn là vấn đề tranh cãi.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cũng đồng tình với phân tích của bác sĩ Hà, đó là thực tế nhiều người thực hiện sai thao tác tự lấy mẫu, sai thời điểm lấy mẫu, cũng như độ nhạy của test nhanh kém... khiến kết quả sai lệch.

Các chuyên gia nhận định, kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus 'trốn' test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác

Các chuyên gia nhận định, kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus 'trốn' test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác

"Tải lượng virus trong cơ thể phải tương đương với chỉ số CT dưới 25 nếu xét nghiệm PCR thì kết quả test nhanh mới rõ ràng; còn CT ở mức 25-30 hoặc trên 30, tức thấp, thì test nhanh gần như rất khó phát hiện virus", bác sĩ Hoàng giải thích.

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM đánh giá, về khoa học biến chủng Omicron chỉ làm thay đổi về đoạn gene trên protein S, trong khi đó kit xét nghiệm nhanh tác động lên đoạn gene protein E. Do đó, biến chủng này không ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.

Đồng thời, với tốc độ lây lan của biến chủng Omicron rất nhanh, dù người bệnh đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác nhưng test nhanh vẫn âm tính vì có thể kit xét nghiệm cho kết quả chậm, theo nghiên cứu là 1 - 2 ngày. Ngoài ra, chất lượng các loại kit xét nghiệm hiện có trên thị trường không đồng đều, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.

"Kết quả dương tính có thể cho chậm vài ngày nhưng không thể mãi âm tính nếu kit xét nghiệm nhanh đạt chất lượng, thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu đều đúng. Còn kết quả xét nghiệm nhanh vẫn sai là do chất lượng kit xét nghiệm", ông Dũng nói.

Một giả thiết khác được các chuyên gia đưa ra, là thực sự người được test không mắc Covid-19. Các triệu chứng như rát họng, ho, người gai rét ớn lạnh có thể do thời tiết gây ra các bệnh lý khác. Nếu nghi ngờ, những trường hợp này cần xét nghiệm PCR để kiểm tra cho chính xác.

Nghiên cứu của Viện Johns Hopkins chỉ ra rằng, lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai. Ngoài ra, một số loại kit kém nhạy cảm hơn với chủng Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19.

Theo dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu đăng tải trên medRxiv, khảo sát hơn 700 người, một loại kit test phổ biến ở Mỹ phát hiện hơn 95% người nhiễm Omicron có tải lượng virus cao. Tuy nhiên khi tải lượng virus thấp, kit test bỏ sót khoảng 35% ca nhiễm.

Có thể bạn quan tâm

  • Mua thuốc điều trị COVID-19: Đừng để việc “dễ” thành “khó”!

    04:00, 04/03/2022

  • Thứ trưởng Bộ Y tế: "Còn quá sớm để coi COVID-19 là cúm mùa"

    02:00, 04/03/2022

  • Phục hồi kinh tế xanh hậu COVID-19 là cấp bách

    15:00, 03/03/2022

  • Khi nào trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine COVID-19?

    10:00, 03/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19

    20:16, 02/03/2022

  • Trừ điểm thi đua vì mắc COVID-19: “Triệt hạ” động lực cống hiến!

    03:52, 02/03/2022

  • COVID-19 không chỉ là “cơn cảm cúm”

    01:58, 02/03/2022

NGUYỄN VIỆT