Đạo đức bị xem nhẹ, bạo lực sẽ lên ngôi

SÔNG HÀN 31/10/2022 02:00

Chúng ta băn khoăn rằng, tại sao con người cứ mỗi ngày mỗi tàn ác như thế?

>>Xử lý bạo lực gia đình: Để sau đó tốt lên mới là câu chuyện đáng bàn

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin về những vụ án cùng nội dung “giải quyết mâu thuẫn tình cảm” như: Hải Phòng: Chồng bắn gục vợ trên giường; Thái Bình: Đưa người yêu về ra mắt gia đình bị từ chối, nam thanh niên đâm luôn bố và cậu; Bắc Ninh: Chém người yêu vì bị cắm sừng và xúc phạm bố mẹ…

Hiện trường nơi phát hiện vụ việc

Hiện trường nơi phát hiện vụ việc chồng bắn gục vợ trên giường. Ảnh: CAND

Cách đây không lâu là vụ giết người tình dã man trên phố Hàng Bài (Hà Nội) rồi tự sát không thành, hay vụ chặt đứt lìa 2 tay vợ vì ghen tuông ở xã Tam An, Long Thành (Đồng Nai)… Chém, đâm, chặt, bắn… tất cả cùng một cách giải quyết đó là tước đi mạng sống của đối phương cho dù bản thân phải gánh chịu bất cứ hậu quả gì.

Thực tế trên cho thấy, những mâu thuẫn thuẫn xuất phát từ tình cảm thường dẫn đến những tổn thương khó thể chữa lành. Xót xa thay, một số người đã chọn bạo lực giết chóc để giải quyết tất cả. Để rồi những kết cục bi thương là điều không thể tránh khỏi. Người thương vong, kẻ vướng vòng lao lý và biết bao người thân yêu phải chịu nỗi mất mát chia lìa.

Lòng căm giận của con người như dòng nham thạch ẩn mình trong núi lửa. Tiếc rằng mấy ai đặt cái tôi giận dữ xuống dưới đáy vực để tình yêu hóa giải ngọn nguồn. Và rồi, kết thúc những câu chuyện tình là những nỗi đau, là bi kịch cuộc đời, là những hoang mang, bất an của toàn xã hội.

Bất an vì những kẻ máu lạnh, sẵn sàng ra tay tàn bạo vì mâu thuẫn tình ái, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ như xúc phạm nhau trên mạng, nghi ngờ ghen tuông… Đối tượng hành động chỉ để thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của bản thân, thỏa mãn khí chất “yêng hung” mà không hề nghĩ đến cha mẹ, người thân.

Công an TP Thái Bình đã phải huy động nhiều lực lượng đến hiện trường để giải quyết vụ việc. Ảnh: CTV

Công an TP Thái Bình đã phải huy động nhiều lực lượng đến hiện trường để giải quyết vụ đưa người yêu về ra mắt gia đình bị từ chối, nam thanh niên đâm luôn bố và cậu. Ảnh: CTV/LĐO

Bất an vì xã hội ngày càng vô cảm. Ngay trong lúc hung thủ giết người dã man thì nhiều người tụ tập đứng xem, thậm chí quay clip để đưa lên mạng câu like và comment mà không có động thái hỗ trợ hay gọi lực lượng chức năng đến giải cứu.

Chưa bao giờ, người ta lại vô cảm, thản nhiên trước sự nguy hiểm, nỗi đau của đồng loại đến như vậy. Họ thản nhiên quay clip, đăng những clip kinh hoàng đó lên mạng Facebook, Tik Tok, Youtube, Twitter… ngay lập tức để tìm kiếm like, share, bình luận trên mạng xã hội. Và trong cả ngàn bình luận, có rất nhiều bình phẩm vô cảm, phản cảm, thậm chí vô văn hóa về nạn nhân và vụ việc.

Nguy hiểm nhất là nhiều người đã học theo mà không ý thức được những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Điển hình nhất là cách đây không lâu, những nhân vật như Khá bảnh, Huấn hoa hồng… lại là “thần tượng” của nhiều người trẻ trên mạng xã hội với các hành động lệch chuẩn, trái pháp luật như đốt xe máy, đánh bạc, cho vay nặng lãi…

>>Bạo lực tinh thần ảnh hưởng suốt đời con trẻ

>>Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

>>Bắt nạt “online” - Biến tướng mới của bạo lực

Chúng ta băn khoăn rằng, tại sao con người cứ mỗi ngày mỗi tàn ác như thế? Tại sao chúng ta càng văn minh tiến bộ thì số người chọn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực vẫn không có xu hướng giảm. Con giết cha, vợ chồng giết nhau, trò giết thầy?…

 Nhìn rộng hơn một chút,  nhiều giá trị đạo đức trong xã hội bị đảo lộn. Có những người, thậm chí có vị trí, chức vụ cao trong xã hội, mới hôm qua còn rao giảng đạo đức, thì hôm sau vướng vòng lao lý vì tham ô, tham nhũng, vi phạm đạo đức nghiêm trọng… Còn những người dám đấu tranh cho lẽ phải, công bằng thì nhiều khi bị coi là kẻ không bình thường, bị dồn ép và cô lập.

Thành thử, một vấn đề đặt ra ở đây là: Bao giờ cho hết những cảnh trái ngang như thế? Liệu những nền tảng đạo đức, những lối sống vị tha nhân ái, lòng biết ơn và bao dung nếu vẫn được xem là tiêu chuẩn bền vững trong mục tiêu hướng tới của con người so với cuộc chạy đua vật chất và những giá trị nhất thời thì có thể khác hơn những thảm cảnh đau lòng.

Dù nói thế nào đi chăng nữa thì bệnh vô cảm thật đáng sợ. Nó khiến con người ta thờ ơ trước nỗi đau của người khác, là con đường dẫn đến tội ác. Căn bệnh vô cảm đã đến lúc báo động, nếu không có giải pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy còn đau lòng và nguy hại hơn rất nhiều.

 Khi đạo đức bị xem nhẹ thì bạo lực lên ngôi. Trách nhiệm thuộc về ai khi những giá trị truyền thống bị chôn vùi dẫn đến thảm cảnh hết tình cạn nghĩa sinh ra hận thù và giết nhau trong tức tưởi đớn đau?

Vì thế, việc thiện mới được lan tỏa, cái ác mới không có cơ hội sinh sôi, nảy nở, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Ngoài sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, của pháp luật một cách kịp thời và nghiêm minh; mỗi cá nhân cũng phải biết đấu tranh với cái xấu, cái ác, không thờ ơ trước nỗi đau của người khác. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bạo lực gia đình: Nỗi đau bắt đầu từ những lời nói

    19:32, 27/06/2022

  • Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực

    20:15, 14/06/2022

  • Xử lý bạo lực gia đình: Để sau đó tốt lên mới là câu chuyện đáng bàn

    19:47, 14/06/2022

  • Bạo lực tinh thần ảnh hưởng suốt đời con trẻ

    16:47, 14/06/2022

  • Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

    00:06, 06/06/2022

SÔNG HÀN